Tận tâm và thấu hiểu

Công nhân Công ty TNHH sản xuất gạch Hoa Mặt Trời yên tâm sản xuất khi được quan tâm phúc lợi

Thấu tình đạt lý

Bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được Công đoàn (CĐ) Công ty CP Tài Phát, thuộc Khu Công nghiệp Phú Bài ký kết và áp dụng thực hiện hơn 3 tháng nay. Trong đó, có nhiều nội dung có lợi cho NLĐ cao hơn luật. Chẳng hạn, về hỗ trợ tiền xăng xe, công nhân trên địa bàn phường Phú Bài được hỗ trợ một tháng 150 ngàn đồng/người, ngoài phường Phú Bài được hỗ trợ 300 ngàn đồng/người. Công nhân làm việc đủ 3 năm được tăng lương một lần, mỗi NLĐ được trang bị 4 bộ đồ lao động/năm. Đối với những NLĐ có sáng kiến trong lao động sản xuất đều được khen thưởng cuối năm.

Chị Trần Thị Diễm Ly, công nhân tổ thành phẩm A cho biết: “Hầu hết những đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động tại hội nghị NLĐ đều được ký kết trong TƯLĐTT, và thực hiện đầy đủ. Thu nhập và phúc lợi được bảo đảm, tôi toàn tâm toàn ý gắn bó với công việc”.

Theo ông Bạch Văn Thạnh, Chủ tịch CĐ Công ty CP Tài Phát, mục tiêu công đoàn công ty hướng đến khi thương lượng, ký kết TƯLĐTT là vì việc làm, đời sống của đoàn viên, NLĐ và vì sự phát triển ổn định của DN. Theo ông Thạnh, không phải lúc nào DN cũng gặp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, do vậy cán bộ công đoàn phải khéo léo và nhạy bén. Chẳng hạn, đối với các khoản phụ cấp ngoài lương, CĐ cơ sở phải cố gắng thuyết phục DN duy trì bởi điều này có ý nghĩa thực sự đối với NLĐ, giúp NLĐ có thêm những khoản phúc lợi ngoài lương.

Cách làm này của Công ty CP Tài Phát, góp phần ổn định quan hệ lao động tại DN từ nhiều năm nay. Ông Hồ Văn Hào, Giám đốc Công ty CP Tài Phát, cho biết: “Có những thời điểm DN gặp nhiều khó khăn, do vậy khi công đoàn công ty gợi ý thỏa thuận các khoản phúc lợi cho TƯLĐTT, ban giám đốc rất khó xử bởi tình hình tài chính không cho phép. Thế nhưng, với lập luận có lý có tình của CĐ, ban giám đốc chấp thuận ngay bởi đó là sự lựa chọn tốt nhất để động viên NLĐ, giúp công ty giữ chân công nhân”.

Ông Nguyễn Tiến Hậu, Chủ tịch CĐ Công ty CP Dệt may Huế cho biết, để có một bản TƯLĐTT tốt, điều cốt lõi trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT là CĐ cơ sở phải hiểu được DN và NLĐ cần gì. Từ nhận thức ấy, trước khi thương lượng diễn ra, công đoàn cơ sở luôn nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của công nhân, từ đó có những đề xuất hợp lý hợp tình.

Với cơ sở dữ liệu xác đáng về tình hình thu nhập, phúc lợi của NLĐ, CĐ cơ sở sẽ tìm được tiếng nói chung với DN trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Hiện ngoài thu nhập ổn định bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng, gần 5.000 công nhân Công ty CP Dệt may Huế còn được hưởng một số khoản phụ cấp cao hơn luật như thưởng 2 tháng lương thứ 13 vào dịp tết, được hỗ trợ 50% kinh phí đóng thêm bảo hiểm con người kết hợp, lao động nữ nuôi con nhỏ từ 6 tháng đến 72 tháng, được hỗ trợ mỗi tháng 50 ngàn đồng… tất cả đều được cụ thể hóa trong TƯLĐTT.

Hài hòa lợi ích

Trao đổi về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phối hợp với CĐ cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại DN, ông Phạm Đăng Trung, Giám đốc Công ty sản xuất gạch Hoa Mặt Trời, thị xã Hương Trà thông tin: “Để đạt được sự đồng thuận, khi đề xuất chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến NLĐ, CĐ cơ sở phải cụ thể hóa từng điều khoản chăm lo. Về phía người sử dụng lao động, cũng phải lắng nghe và chia sẻ, có như vậy mới hài hòa lợi ích các bên trong quan hệ lao động”.

Tại Công ty sản xuất gạch Hoa Mặt Trời, trước khi tiến hành ký kết TƯLĐTT, lãnh đạo DN lưu ý công đoàn cơ sở phải nắm thật chắc thu nhập, nhất là chi tiêu thực tế của công nhân, để có cơ sở tham mưu cho DN xây dựng chính sách lương, thưởng hợp lý nhằm động viên công nhân. Trên cơ sở dữ liệu có được, ban giám đốc có cái nhìn thực tế hơn về đời sống công nhân, từ đó phối hợp với CĐ cơ sở hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ.

Với cách làm bài bản đó, quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT diễn ra suôn sẻ. Không chỉ được bảo đảm việc làm ổn định với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, gần 100 CN còn được hưởng một số chế độ chăm lo cao hơn luật định như phụ cấp đi lại, phụ cấp thâm niên, tham quan nghỉ mát (1 năm/lần), khám sức khỏe định kỳ…

Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, để có bản TƯLĐTT tiến bộ, cán bộ CĐ ngoài am hiểu luật phải nhạy bén, biết tranh thủ sự ủng hộ của DN và cả tập thể lao động.

“Dự thảo nội dung TƯLĐTT trước khi ký kết được niêm yết công khai ở các xưởng để công nhân có thể góp ý. Việc tập hợp ý kiến đóng góp của công nhân sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc hợp lý và xuất phát từ nguyện vọng của số đông công nhân. Phương pháp này giúp CĐ cơ sở gặp nhiều thuận lợi trong quá trình thương lượng, ký kết hoặc bổ sung TƯLĐTT, tạo dựng uy tín với DN”, ông Trần Quang Vinh cho biết.

Bài, ảnh: Hải Thuận

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …