Tái hiện lễ hội tạ ơn núi rừng của đồng bào Cơ Tu

Lễ hội Tậc Ka Coong – tinh hoa văn hóa Cơ Tu A Lưới, tái hiện trích đoạn sân khấu lần đầu tiên trong Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghi lễ cúng thần núi, dâng mâm cỗ, truyền thống và sôi động với tiếng cồng chiêng, trống, kèn.


Lễ hội Tậc Ka Coong – Tinh hoa văn hóa của người Cơ Tu tại A Lưới

Lễ hội Tậc Ka Coong chính là tinh hoa văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc giữa con người với ngọn núi, cánh rừng, con sông, dòng suối. Trong khuôn khổ Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 15-2024, UBND huyện A Lưới đã tổ chức tái hiện trích đoạn sân khấu hóa lễ hội này.

Nghi lễ diễn ra tại không gian Quảng trường A Lưới vào sáng 16/5 bao gồm các bước chính như Choh cọ (chôn cây nêu), Tong Ti rị (lễ buộc trâu), Chươt Ti rị (đâm trâu) và cúng lễ hội Tấc Ka Coong (cúng thần núi). Đây là những nghi lễ được trình diễn bởi các già làng, nghệ nhân xã Hồng Hạ, Lâm Đớt và đội nghệ thuật quần chúng huyện A Lưới.

Mở đầu bằng việc chôn cây nêu xuống đất thiêng của làng và ước nguyện đó chính là thông điệp cho khách qua đường đến với lễ hội. Cầu mong cây nêu luôn vững chãi, không nghiêng ngả, gãy đổ khi buộc trâu, cho lễ hội được thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, ở phần nghi thức buộc và đâm trâu đã được ban tổ chức lược bỏ bởi không còn phù hợp với đời sống cộng đồng trong thời điểm hiện đại.

Thay vào đó, là nghi thức dâng mâm cỗ để cúng cho các vị thần linh. Người dâng mâm cỗ này được các vị già làng tuyển chọn, họ là những cô gái, chàng trai đẹp người đẹp nết, có tâm hồn thánh thiện, trong sáng. Và các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế, trâu, bò, dê, heo, gà… các món bánh a koat, a zưh, âng co được làm từ những hạt nếp nương dẻo thơm.

Sau khi mời thần, dân làng thực hiện nghi thức tạ ơn các vị thần đã ban cho làng bản người Cơ Tu cuộc sống bình yên, no đủ và cho con cháu trưởng thành nên người. Họ cũng cầu xin các vị thần tiếp tục bảo vệ che chở và ban cho con cháu, làng bản sức khỏe, may mắn, thịnh vượng, an lành, hạnh phúc.

Xuyên suốt lễ hội từ đầu đến cuối là tiếng chiêng, nhịp trống rộn ràng, nhịp nhàng và uyển chuyển tạo nên không khí lễ hội sôi động. Theo ban tổ chức, ngày nay con cháu người Cơ tu A Lưới vẫn còn lưu truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chính dân tộc mình.

Nguồn thông tin được tham khảo từ: baothuathienhue
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue_org

About Nhóm biên tập Thừa Thiên Huế

Check Also

HÌNH ẢNH TRƯỜNG QUỐC HỌC HƠN 100 NĂM TRƯỚC

  Tính đến Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, trường THPT chuyên Quốc Học …