Tái hiện câu chuyện lá thư tình 34 năm thất lạc của người liệt sĩ

Gặp gỡ báo chí ra mắt MV “Lá thư trong ba lô”

Lãng mạn và bi tráng, giai điệu, giọng hát, hình ảnh, âm nhạc…tất cả vừa đủ để đẩy cảm xúc của người nghe, người xem MV vượt ngưỡng rưng rưng.

Câu chuyện về bức thư tình thất lạc của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa đã từng gây xúc động với nhiều người khi 9 năm trước, bức thư này được trao lại cho gia đình liệt sĩ sau 34 năm thất lạc.

Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa sinh năm 1952, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Bức thư anh viết gửi người vợ sắp cưới ở quê nhà được ghi ngày 19/2/1979.

Lúc đó, đơn vị của anh Hòa (Chính trị viên phó Đại đội 10, Tiểu doàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337) nhận lệnh hành quân cấp tốc từ Nghệ An lên Lạng Sơn. Bức thư viết để trong ba lô và 2 tuần sau đó anh Hòa đã hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc.

Đến năm 1981, Đại tá Vũ Đình Đảng (cựu giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) tiếp nhận vị trí Chính trị viên Đại đội 10, là đơn vị cũ của anh Hòa và vô tình phát hiện bức thư.

Kể từ ngày đó, hễ gặp ai quê Nam Định, ông Đảng lại dò hỏi thông tin về gia đình của người liệt sĩ đã để lại bức thư gây xúc động mạnh với mình.

Thời gian cứ trôi, đã có lúc tưởng như vô vọng, sau hơn 34 năm, bức thư được Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ tiếp nhận và việc tìm kiến được tiến hành có kết quả.

Bức thư đã được trao lại cho gia đình liệt sĩ như một kỷ vật vô giá và cô gái được nhắc đến trong bức thư là cô Thúy, khi đó đã nghỉ hưu và sống ở quê cùng gia đình.

Nhạc sĩ Kiên Ninh sinh năm 1979. Từ lâu anh đã ấp ủ viết một ca khúc về tình yêu của người lính. Một ngày, trong anh bật lên ý tưởng về “lá thư trong ba lô”. Anh lao vào tìm kiếm những bức thư kỷ vật để lại của những người lính đã hy sinh. Khi đọc bức thư của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa, Kiên Ninh rất xúc động. Một phần vì câu chuyện tình trong bức thư quá đẹp; lời thư quá ấm áp, thân thương; tinh thần và khát vọng của người lính quá đỗi cao cả, bao dung, nhân hậu…phần khác chàng nhạc sĩ tìm thấy mối dây liên hệ vô hình khiến trái tim anh như bị bóp nghẹt. Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa hy sinh năm 1979, vào năm mà Kiên Ninh được chào đời. Được biết đến là một nhạc sĩ sáng tác nhanh nhưng với “Bức thư trong ba lô” Kiên Ninh đã dành trọn 1 năm cho tác phẩm này.

Phần ca từ của bài hát được nhạc sĩ Kiên Ninh dựa trên chính nội dung lá thư của người chiến sĩ đã ngã xuống hơn 4 thập kỷ trước. Anh mong muốn kể lại câu chuyện tình lãng mạn mà bi tráng này cho mọi người nghe bằng âm nhạc.

Ngay từ khi bắt đầu viết ca khúc, Kiên Ninh đã nghĩ đến NSND Quốc Hưng. Anh tin và biết giọng hát NSND Quốc Hưng có thể chuyển tải được hết tinh thần của ca khúc tới công chúng. Hơn nữa, đây cũng là giọng hát có sức truyền tải, lan tỏa mạnh mẽ ở chủ đề và màu sắc âm nhạc này.

Và câu chuyện tình lãng mạn mà bi tráng bằng âm nhạc của Kiên Ninh đã được NSND Quốc Hưng cất lên da diết, tình cảm mà không bi lụy, thấm vào lòng người nghe.

Đại tá Vũ Đình Đảng trao lại bức thư của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa cho gia đình. Ảnh: Hoàng Phương

NSND Quốc Hưng chia sẻ: “Tác phẩm của Kiên Ninh dù viết về chiến tranh nhưng vẫn có nét nhạc, giai điệu mang hơi thở, màu sắc hiện đại. Câu chuyện đã xảy ra hơn 40 năm, nhưng được Kiên Ninh viết theo cách mới hiện nay, thể hiện rõ hơi hướng sức trẻ trong âm nhạc hiện đại.

Đặc biệt, ở ca khúc này, Kiên Ninh chủ động viết giai điệu cho giọng hát của tôi, quãng lên xuống phù hợp. Bài hát này thực sự rất chỉn chu cả về âm nhạc lẫn phần lời, phần hát, hòa âm phối khí”.

Để “Lá thư trong ba lô” đến gần với công chúng hơn, nhạc sĩ Kiên Ninh quyết định thực hiện MV với sự tham gia của đạo diễn Anh Quân. Câu chuyện MV tái hiện một quãng đời của người lính trẻ, từ những giây phút hạnh phúc ngọt ngào bên người yêu cho đến khi lên đường ra trận, rồi hy sinh trong vòng tay đồng đội; lá thư anh viết cho người vợ sắp cưới sau mấy chục năm trời mới đến được tay gia đình anh…

Ra mắt MV vào đúng thời điểm bức thư được viết ra cách đây 43 năm, ê kíp thực hiện hầu hết là những người chưa từng trải qua chiến tranh, nhiều người thuộc thế hệ Z, “Bức trong ba lô” là cách mà những người trẻ thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước. Một bức thư, một câu chuyện tình bi tráng có thật bước vào ca khúc và tạo ra một giá trị biểu đạt mới.

Chu Thu Hằng

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

HÌNH ẢNH TRƯỜNG QUỐC HỌC HƠN 100 NĂM TRƯỚC

  Tính đến Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, trường THPT chuyên Quốc Học …