Sứt mẻ khu vực lao động chính thức

Về thị trường lao động, lâu nay chúng ta chia làm hai khu vực – chính thức và phi chính thức. Khu vực chính thức là những người lao động làm trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN)… Bản chất của nó là có hợp đồng lao động, người sử dụng lao động thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ cho người lao động (không kể những trường hợp “ngoại lệ”). Khu vực này được cho là ổn định, có thể thống kê một cách dễ dàng. Khu vực phi chính thức thường là lao động tự do, tức là họ tự tạo công ăn việc làm cho mình hoặc là đi làm công; họ có thể làm bất cứ công việc gì để có thu nhập. Khu vực này không có bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm thất nghiệp, không bảo hiểm y tế (nếu muốn có thì người lao động tự đóng – hiện nay người tự đóng bảo hiểm cũng nhiều lên). Nói chung các lưới an sinh xã hội không có. Có việc làm thì có thu nhập, không có việc làm thì không thu nhập. Một tháng thu nhập cao hơn khu vực chính thức là chuyện bình thường nhưng cũng có những tháng, ví dụ như ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc một lý do nào đó (đau ốm chẳng hạn) thì sẽ không có thu nhập. Chính vì vậy người ta cho rằng khu vực lao động này mang tính chất bấp bênh.

Về mặt nhận thức thường là thế và ai cũng thừa nhận như vậy.

Nhưng trong thời buổi hiện nay, liệu điều này có còn đúng?

Nếu không đúng hoàn toàn thì ý nghĩa ổn định của nó cũng bị suy xuyển. Trên thị trường lao động vào cuối năm 2022, chúng ta thấy hàng trăm ngàn lao động trong các DN bị ảnh hưởng. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ trong quý IV đã có hơn 480.000 lao động bị giảm giờ làm. Số lượng chấm dứt hợp đồng lên đến hơn 41.600 người. Nếu tính cả các dạng tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương thì con số còn nhiều hơn.

Trong đại dịch, từng đoàn người rồng rắn về quê. Sau dịch thì lại rắn rồng trở lại các thị trường lao động sôi động. Giờ thì số người lao động không có việc làm đi đâu, làm gì và tương lai cuộc sống như thế nào chúng ta cũng có thể hiểu. Thế thì, sự ổn định ở khu vực lao động chính thức không phải là bất biến. Và dự báo kinh tế toàn cầu có những khó khăn trong năm 2023, tăng trưởng chậm lại… thì khu vực lao động này sẽ còn có những biến động khó lường nữa.

Giờ thì chúng ta thấy, ổn định hay không ổn định nó cũng tùy thuộc từng lúc, từng nơi.

Cái khổ là ở chỗ, những người bị ảnh hưởng việc làm chủ yếu là các ngành mang tính chất đặc thù và thâm dụng lao động. Tập trung nhiều nhất là ngành dệt may và da giày. Hồi giờ họ chỉ làm mỗi một việc, chỉ một chỗ; những công việc giản đơn lặp đi lặp lại… Giờ chỗ này không sử dụng nữa thì hàng chục ngàn, trăm ngàn lao động cũng rất khó cho một thị trường lao động tự do dung nạp!? Đối với những người lớn tuổi thì càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm công việc mới. Chúng ta tự hào ngành dệt may và da giày đóng góp một tỷ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Nhưng bây giờ, khi có những biến động, nó gây áp lực rất lớn lên thị trường lao động. Và chắc hẳn là cũng gây ra nhiều vấn đề về mặt xã hội…

Với nền kinh tế của chúng ta như hiện tại, mặt bằng chung của trình độ lao động như hiện tại, chúng ta chấp nhận những ngành thâm dụng lao động như là một giải pháp trước mắt. Về lâu dài, cần phải cân đối lại nguồn lực lao động. Bởi giai đoạn “hậu thâm dụng lao động” sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề của thị trường lao động.

Đến đây chúng ta thấy, nói là thị trường lao động tự do bấp bênh nhưng chưa hẳn vậy. Làm việc và sống trong một môi trường luôn thay đổi, người lao động ở khu vực tự do cũng rèn luyện được một kỹ năng nhanh nhạy, thích ứng với thay đổi. Chuyên làm thợ điện, nhưng qua nhiều công trình thì cũng học hỏi thêm về nghề thợ nước. Làm một lúc rồi tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn, tạo dựng được mối quan hệ… có thể nhảy sang kinh doanh nhỏ các mặt hàng về điện nước. Anh chuyên làm biển hiệu quảng cao, sau một thời gian có thể làm thêm trang trí nội thất, chẳng hạn (tất nhiên là đơn giản, nhưng nhu cầu xã hội rất cao). Anh thợ nề từ phụ hồ nếu chịu khó học hỏi thì cũng lên được thợ hồ, thu nhập cao hơn…

Nói chung là muôn hình muôn vẻ của thị trường lao động, và chưa chắc khu vực nào bấp bênh hơn khu vực nào. Nhưng có một điều chắc chắn là thị trường lao động tự do ngày càng năng động hơn và đóng góp ngày càng lớn hơn vào “miếng bánh” kinh tế và có khả năng dung nạp cao sức lao động.

Nguyễn Bình Nhi

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …