Theo ông Tan Zing Yan, Huế cần đẩy mạnh khai thác ẩm thực, khai thác tốt giữa văn hóa và thiên nhiên, quảng bá hình ảnh tốt hơn nữa, chắc chắn sẽ thu hút được khách Singapore trong thời gian đến.
Ông Tan Zing Yan
Ông và nhóm bạn là đoàn khách Singapore đầu tiên đến Huế sau hơn hai năm dịch bệnh. Vì sao ông chọn Huế làm chuyến du lịch đầu tiên này?
Bạn của tôi là một blogger ẩm thực nổi tiếng ở Singapore. Cách đây hơn hai năm (khi chưa xảy ra dịch bệnh), blogger này đã đến Huế để thực hiện các chương trình quảng bá, kết nối du lịch giữa hai quốc gia. Người bạn đã mời tôi xem các sản phẩm quảng bá đó và tôi thấy rất ấn tượng về ẩm thực. Người bạn cũng tư vấn nếu có cơ hội hãy đến Huế để trải nghiệm ẩm thực. Tôi và nhóm bạn quyết định đi ngay sau đó, nhưng do dịch bệnh nên không thể.
Ngay sau khi biết thông tin Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại, các hạn chế về kiểm soát dịch bệnh cũng đã được nới lỏng. Ở Singapore, các hoạt động cũng đã bình thường. Cũng giống như nhiều du khách ở các nước và ở Singapore, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã rất muốn đi du lịch. Do đó, tôi và nhóm bạn quyết định đi du lịch ngay và Huế là điểm đến được chúng tôi lựa chọn đầu tiên.
Qua gần 1 tuần du lịch, ông ấn tượng gì với Huế?
Trước khi đến Huế, chúng tôi chỉ biết đến ẩm thực Việt Nam với món phở. Khi đến và được trải nghiệm lần lượt các món ăn trong những không gian cổ kính, kết hợp với trang phục truyền thống; hay được ăn các món bánh nhỏ, tinh tế mà rất ngon; chúng tôi đã biết đến món bún bò Huế ngon không kém món phở. Vì tính độc đáo đó mà những ngày ở Huế, cả đoàn gần như chìm đắm trong “thế giới” ẩm thực ở nơi đây.
Ẩm thực ở Huế rất đặc biệt. Dù không thể đánh giá chính xác nhất, vì ẩm thực còn cả tính cảm quan, song một điều mà chúng tôi chắc chắn đó là ẩm thực rất tinh tế và khác lạ với mọi nơi. Kiểu ẩm thực nơi đây có một nét địa phương riêng, không pha trộn hay lẫn lộn với một loại ẩm thực nào khác. Những món ăn được trưng bày nhỏ, nhưng tinh tế. Nhiều món ăn dân dã thì có tính dân dã rất cao, những món ăn cầu kỳ, cung đình thì có tính cầu kỳ không nơi nào bằng.
Bên cạnh ẩm thực, các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản và những ngôi chùa… cũng gây ấn tượng không kém với chúng tôi. Ở Singapore, không thể bắt gặp những hình ảnh đậm chất truyền thống như thế. Con người nơi đây, sự hiếu khách, thân thiện và sự chu đáo của doanh nghiệp khai thác du lịch, các điểm đến mà đoàn lựa chọn đều rất tốt. Tất cả đã làm nên chuyến đi trọn vẹn.
Ông có thể chia sẻ những nhu cầu, thị hiếu đi du lịch của khách Singapore, đặc biệt sau dịch bệnh có những thay đổi gì mà Huế cần nắm bắt?
Như tôi đã nói ở trên, các điểm đến ở Singapore tất cả gần như là nhân tạo, khác xa với Huế có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Người dân ở Singapore rất thích những điểm đến gắn với thiên nhiên, giúp quay lại với lịch sử. Ở Huế các bạn, những sản phẩm văn hóa, hướng về lịch sử, chăm sóc sức khỏe… là những dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách Singapore.
Việc mua sắm cao cấp với những mặt hàng đặc trưng của các nước và từng địa phương cũng là lựa chọn của phần đông của khách du lịch Singapore.
Tôi thấy sau dịch bệnh, xu hướng của đa số người dân ở Singapore lựa chọn nhiều hơn các sản phẩm du lịch hướng về thiên nhiên, tham gia nhiều các tour để nâng cao sức khỏe, như đạp xe, nghỉ dưỡng cao cấp. Trong gần 1 tuần ở Huế, tôi thấy ở Huế có nhiều resort, điểm đến hướng về thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe tốt. Sự kết hợp giữa văn hóa và thiên nhiên là thế mạnh mà tôi thấy Huế cần tập trung phát triển hơn nữa.
Theo ông, Huế có những hạn chế nào cần khắc phục để thu hút khách tốt hơn?
Tôi thấy hai cái mà các bạn cần khắc phục. Một là trước mắt và một lâu dài. Đầu tiên là các bảng biển chỉ dẫn, tôi thấy các bạn chỉ đang sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Việt. Theo tôi, các bạn nên đưa thêm các loại ngôn ngữ khác để giúp du khách nước ngoài thuận tiện hơn khi tìm đường, tìm điểm đến khi đi du lịch. Cụ thể là tiếng Anh – ngôn ngữ phổ biến, tôi nghĩ nên đưa vào. Ngoài ra, ở một số điểm chuyên về khách nào đó, cũng có ngôn ngữ để khách dễ tìm kiếm.
Cái thứ hai tôi thấy, cần có chiến lược lâu dài. Đó là cải thiện hơn nữa về ngoại ngữ cho người dân và người phục vụ du lịch. Đa số các nơi mà tôi đến, người dân, người phục vụ, kể cả các người chủ cũng không biết nói tiếng Anh. Đôi lúc muốn trò chuyện để hiểu hơn đất nước, điểm đến, nhưng không thể. Điều này hạn chế rất nhiều về giao tiếp, tạo ra khoảng cách giữa du khách và điểm đến. Vấn đề này ở đất nước chúng tôi rất được chú trọng và đào tạo từ nhỏ, cũng như khắt khe khi tuyển dụng người làm công việc phục vụ khách du lịch.
Để thu hút khách Singapore, Huế cần làm gì?
Tôi thấy khoảng cách di chuyển bằng đường hàng không từ Singapore đến miền Trung Việt Nam khoảng 2,5 giờ bay. So về khoảng cách địa lý, đây là lợi thế rất lớn, làm tăng sự lưa chọn của khách so với những điểm đến khác ở châu Á. Tuy nhiên, tôi thấy chi phí vé máy bay khá cao, điều này các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần nghiên cứu.
Đối với người Singapore, sự am hiểu về Huế gần như rất ít. Hầu như các hình ảnh mà tôi có dịp sang mới thấy, còn hình ảnh quảng bá ít xuất hiện ở Singapore. Do đó, các bạn cần quảng bá tốt hơn, tạo ra các hoạt động, lễ hội văn hóa để người dân Singapore biết đến Huế nhiều hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đức Quang (thực hiện)