Đầu năm học lớp 8, tôi bị giao nhiệm vụ coi nhà, cho heo ăn, để mẹ và các dì về làng, cho anh tôi đi theo.
Làng là cách gọi của bên ngoại, chỉ làng Tân Sa, nơi chôn nhau cắt rốn của cả ông ngoại, mệ ngoại tôi. Nhìn vẻ mặt phấn chấn, háo hức của mẹ, tôi biết mẹ chờ đợi giây phút này từ lâu lắm rồi, có lẽ đây là lần đầu mẹ về làng. Cách trở đò giang, lúc nhỏ mẹ và các dì dễ gì được về! Trước khi lấy chồng, sớm hôm đòn gánh trên vai, từ chợ Thông đến chợ Chử, theo chồng tập kết, thời gian đâu mà mẹ đi. Hòa bình chưa đầy tháng, mẹ vượt tuyến vào Nam, trở ra bùi ngùi kể chuyện ông ngoại. Rằng ông mất đã lâu, trước khi mất ngày ngày lượm củi chất cả đống, ai hỏi ông nói để làm đám khiến mọi người ai cũng cười. Ít lâu sau hóa thật, ông thiêng quá! Hơn 2 năm, mẹ mới thu xếp về thắp hương cho ông, cho tổ tiên, không vui sao được!
Hồi đó, về làng đều dùng đò, phổ biến là đò dọc xuất phát từ bến Đông Ba lúc 10 giờ, xuôi dòng Hương vào phá, khoảng 3-4 giờ đến nơi, ước chừng 30 cây số. Nghe anh tôi thuật lại hành trình, cảm giác ngồi đò, trong tôi dấy lên ước mơ được một lần trải nghiệm. Mãi đến năm 1986, đang chờ xin việc, tôi được ba mẹ cho về làng chạp nhánh. Sáng sớm, chúng tôi đạp xe hướng Phú Bài, ngang Thủy Châu, rẽ theo đường làng còn xâm xấp nước, qua đò ngang Viễn Trình – Xuân Thiên hạ, ngược lên một đoạn là tới nhà nhánh 5, Trần 3.
***
Thời cuối chúa Nguyễn, Tân Sa là phường trong 12 xã, thôn, 9 phường của tổng Kế Thực, huyện Hương Trà; triều Đồng Khánh là ấp thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang. Nay, Tân Sa là một trong 6 làng của xã Vinh Xuân, Phú Vang. Phía bắc giáp Khánh Mỹ, nam giáp Kế Võ, phía tây là đầm Hà Trung, phía đông là biển; rộng 1,5km2, có 158 hộ, 633 nhân khẩu, có 2 xóm, với 9 họ, họ Lê khai canh.
Ngay giữa làng, trước mặt nhà thờ họ Trần 3, có 5 cồn đất mà từ bao đời nay, dân làng trân quý, giữ gìn: khoảnh đất vuông, mỗi cạnh chừng 20m giống hình quyển sách mở – gọi là Cồn Sách; đối diện phía trái cách đường khoảng 30m có dung đất dài giống hình cây viết – gọi là Cồn Bút; đi lần ra đầm Hà Trung có vũng nước sâu, không bao giờ cạn giống như nghiên mực – gọi là Vũng Vườn; tiếp đến có vuông đất trũng xuống giống như cái giếng – gọi là Cồn Giếng; băng qua hướng trái, sát đầm có một gò đất vuông phẳng, bên trên cỏ mọc xanh rì – gọi là Cồn Nậy. Bao quanh Cồn Sách, Cồn Giếng…, dân làng trồng cây bảo vệ, ngăn ngừa xâm hại.
Người Tân Sa cần cù, chịu khó, chăm chỉ, chuyên cần; phụ nữ hết mực chiều chồng, khéo nuôi dạy con cái. Người ngày càng đông, mảnh đất hẹp không đủ dung dưỡng, thế là lớp lớp dân Tân Sa phiêu tán khắp nơi. Song, tinh thần cố kết cộng đồng, tấm lòng luôn hướng về nguồn cội, tư tưởng “ly hương bất ly Tổ” vẫn toát lên trong suy nghĩ và hành động của bà con. Cứ tới Tân Sa nửa sau tháng 8 âm lịch hàng năm, xóm nào cũng tấp nập người đi tảo mộ, không khí tựa ngày hội, gặp nhau là cười, tay bắt mặt mừng không cần biết người họ nào, ở đâu, bởi giờ này, tại đây thì đều là dân “quê choa” cả! Đáng nói, gần biển nhưng dân Tân Sa không theo nghề biển, chủ yếu làm nông, thủ công hay nho y lý số… nên dù ở chỗ nào cũng bươn chải kiếm sống được, thậm chí giàu có hơn dân địa phương. Tân Sa tự hào đã đóng góp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam 3 vị tướng – Trung tướng Trần Thanh Từ, Thiếu tướng Trần Thanh Kỳ, Thiếu tướng Huỳnh Văn Dương.
***
Tương truyền thủy tổ họ Trần làng Tân Sa là ngài Trần Thọ Cảnh làm quan dưới trướng chúa Nguyễn Phúc Tần (1648- 1687). Trong lần phò tá Hiền Vương về cửa Tư Hiền dựng chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân, lúc lên, ghé Tân Sa, dưới con mắt am tường phong thủy, địa lý, Ngài quyết định dừng chân lập nghiệp, sinh hạ được 4 trai, 1 gái. Đó là khoảng những năm 1686. Con cái trưởng thành, vợ chồng Ngài ra lại Thanh Hóa và mất tại đấy. Bốn người con trai là trưởng 4 họ Trần, 3 ở Tân Sa, 1 ở làng Phương Diên bên cạnh. Cuộc sống dần ổn định, ngày 24.5 năm Ất Tỵ (1849), con cháu họ Trần phát nguyện xây chùa, lấy tên Phước Sa tự, ngụ ý phúc như hạt cát nhỏ, bòn phúc như bòn hạt cát. Trở thành chùa làng, năm 2002, dân làng trùng tu, sửa chữa, đến 2006 hoàn thành.
Thân mẫu danh nhân Đặng Huy Trứ là người con họ Trần 3 Tân Sa. Sau chuyến công vụ Trung Quốc lần 2, nhà thơ đã tặng nhà thờ họ mẹ tại Tân Sa một số đồ sứ dùng để thờ tự, có thể do ông ký kiểu tại Quảng Đông, hiện nhà thờ họ Trần 3 đang lưu giữ cùng một số câu đối của anh em ông. Không rõ linh khí mảnh đất quê mẹ có un đúc phần nào trong ông không mà với tuổi đời ngắn ngủi (1825-1874), thời gian làm quan không dài (1856-1874), ông được Phan Bội Châu đánh giá là “người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”, tiến sĩ Cao Tử Đăng (Trung Quốc) tôn vinh:
“Đại gia văn vận tồn thiên cổ
Nam quốc nhân tài kiến nhất ban”
(Văn chương bậc lớn lưu
thiên cổ,
Đệ nhất nhân tài rạng nước Nam)
( Kỷ yếu Hội thảo khoa học – Danh nhân Đặng Huy Trứ- người khai lập ngành nhiếp ảnh Việt Nam, tổ chức tại Huế tháng 3/2018, trang 179).
Năm 1994, dịch và xuất bản “Từ thụ yếu quy” và “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” của Đặng Huy Trứ, hậu duệ của ông ở trong nước viết thư và gửi tặng họ Trần làng Tân Sa, khẳng định luôn hướng về họ ngoại với tất cả tấm lòng kính mến, luôn nhớ đến câu đầy tình nghĩa với họ ngoại của cụ Đặng Văn Trọng đã nói với con cháu:
“Có vợ phải biết vợ từ đâu đến
Có con phải biết con do ai sinh ra”
***
Tìm kiếm thông tin quê ngoại, tôi điện hỏi em họ mẹ tôi, cậu Trần Đình Trung khá am hiểu việc họ, việc làng. Cậu bảo tôi về sẽ cho mượn tài liệu. Cậu Trung ở Đà Nẵng từ trước 1975 trong căn nhà mặt tiền đường Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu. Vợ mất 2 năm, con gái duy nhất lấy chồng nên từ 2015, cậu bán nhà ra làng xây ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên nhà nhánh. Mái tóc, bộ râu bạc phơ, dáng vẻ phong trần, cậu sống an nhiên, tự tại như một tiên ông. Như bao người dân Tân Sa muốn gửi thân xác trên quê hương để ngàn đời “nghe sóng vỗ dạt dào biển cả”, với 82 tuổi tròn, 83 tuổi “méo”, trước khi tham gia “Liên đoàn địa chất 42” như cách nói tếu táo của người dân chuyện trạng Vĩnh Hoàng (42=4 dài, 2 ngắn), cậu thường xuyên thăm thú bà con, sớm hôm dạo bước trên đường làng thoảng mùi đầm phá, biển cả, dọn mình để bước vào thế giới người hiền, giống hệt ông ngoại tôi ngày nào.
Còn tôi, chẳng có gì cho họ ngoại, quê ngoại, tôi lặng lẽ lấy tên làng đặt tên cho con, tâm niệm mỗi lần gọi con sẽ hiển hiện trước mắt mình nào biển cả bao la, đầm phá mênh mông và dãy cồn cát lúp xúp, chạy dài như những nét chấm phá cho bức tranh thủy mặc chốn quê an bình dấu yêu phía mặt trời mọc.
HÀ XUÂN HUỲNH