Quan ngại khác về karaoke

Tôi đoán chắc là sau vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương) làm 32 người thiệt mạng, người ta sẽ “nhìn trước, ngó sau” và trở nên thận trọng hơn khi lựa chọn một điểm đến cho buổi hát cùng nhau. Mà trước khi có sự lựa chọn này, nhà chức trách và các cơ quan chức năng cũng đã có những buổi kiểm tra, tổng rà soát trên khắp các địa bàn. Đây không phải là kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng chắc chắn là đã có nhiều khoảng trống, kẽ hở… nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ này mới có thể đi vào hoạt động trong khi còn thiếu rất nhiều tiêu chuẩn cần có khác, như hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cầu thang thoát hiểm, cách âm, các điều kiện về an ninh trật tự…

Khó có thể có một con số chính xác về số lượng các điểm kinh doanh karaoke trên địa bàn cả nước. Nếu có, thì đây cũng chỉ là một con số, vì bản thân karaoke đâu có lỗi, lỗi là người ta đã vận hành hình thức giải trí này như thế nào. Chúng tôi nhấn mạnh điều này vì nhiều người có cách nhìn không mấy tích cực khi nói về việc đi hát karaoke. Cho dù không phải là tất cả, nhưng một vài biến tướng không mấy lành mạnh ở các điểm karaoke là tác nhân của căn nguyên này.

Chúng tôi cũng không muốn nói về chuyện “con sâu” và “nồi canh”, vì cái gì còn là nhu cầu của xã hội thì nó còn tồn tại. Tôi cũng đoán chắc “karaoke An Phú” sẽ trở thành một từ khóa ám ảnh khi người ta nói/nhắc về sự không an toàn ở hoạt động này. Nhân tiện, khi gõ 3 từ vừa nêu trên, tôi đã nhìn thấy con số khoảng 16.000.000 kết quả ở 0,57 giây. Gõ một từ khác liên quan, tôi nhìn thấy một bảng danh sách hàng loạt các cơ sở karaoke bị đình chỉ, xử phạt ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Tại Thừa Thiên Huế, cũng đã có vài cơ sở bị đình chỉ do vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Đây là điều cần cảnh báo và lưu tâm cho phía người sử dụng dịch vụ và cả cơ quan quản lý trên tất cả các địa bàn. Việc tổng kiểm tra và đưa vào diện quản lý, theo dõi các dịch vụ này đã được thực hiện theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tại Công văn số 5910/VPCP-NC ngày 8/9/2022 – chỉ 2 ngày sau khi thảm họa karaoke An Phú xảy ra. Theo đó, các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke; kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy…

Đấy là những khía cạnh có thể nhìn thấy và trông đợi đối với sự an toàn cho người dân khi có nhu cầu đến các điểm karaoke để giải trí. Hy vọng là sẽ có nhiều cải thiện sau những biện pháp chấn chỉnh kịp thời và quyết liệt.

Tôi nhớ ngày hôm qua, một đồng nghiệp của tôi đã viết trên trang facebook về nỗi sợ khác của chị – đấy là khi thay vì đến các phòng hát karaoke, người ta sẽ chọn hát ở nhà, cùng nhau. Thực tế lâu nay, ở các điểm dân cư, nhiều người vẫn sử dụng loa (nhiều loại và nhiều công suất khác nhau) để hát, trong một khoảng thời gian đủ để phá vỡ không gian nghỉ ngơi chung. Đây cũng là điều đang khó quản lý, chế tài. Đa phần là nhắc, mong được thông cảm nhưng cũng đã có không ít những cuộc ẩu đả, mất lòng, xa cách… với hàng xóm chỉ vì karaoke.

Có lẽ, cũng cần đến một cách xử lý rốt ráo hơn khi hát karaoke trở thành vấn nạn ở cộng đồng.

An Bình

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …