Bùi Thị Thu Thủy cùng giám đốc bán hàng nghìn hóa đơn khống cho các doanh nghiệp vừa bị bắt giam
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh phát hiện nhiều vụ mua bán hóa đơn trái phép. Điển hình đầu năm 2023, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Huế phát hiện, Công ty HCC có địa chỉ tại 61A Thạch Hãn (TP. Huế) do Hồ Công Chính (SN 1974) làm giám đốc và Bùi Thị Thu Thủy (SN 1990), đều trú tại TP. Huế, làm kế toán có dấu hiệu trốn thuế, nghi vấn sử dụng hóa đơn trái phép.
Qua khám xét khẩn cấp tại Công ty HCC và nơi ở của Hồ Công Chính, công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ nộp ngân sách Nhà nước. Theo đó, từ tháng 4/2021-12/2022, Công ty HCC bán ra 2.257 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho gần 300 cơ quan, doanh nghiệp với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi kê khai số hóa đơn bán ra của doanh nghiệp trên hệ thống thuế chỉ 4 tỷ đồng, giảm hơn 4,7 tỷ đồng. Như vậy, Công ty HCC trốn đóng thuế GTGT hơn 441 triệu đồng.
Cơ quan Công an TP. Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Công Chính và Bùi Thị Thu Thủy liên quan đến hành vi trốn thuế. Ngoài hành vi trốn thuế, hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP. Huế đã củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh 2 đối tượng này có liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Trước đó, cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lê Lợi, chủ doanh nghiệp tư nhân Quang Hiếu (địa chỉ tại TX. Hương Thủy) về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Cơ quan công an xác định, với tư cách là chủ doanh nghiệp, Lê Lợi đã thực hiện hành vi mua bán trái phép số lượng lớn hóa đơn GTGT có ghi sẵn nội dung nhằm kê khai khấu trừ thuế GTGT cho DNTN Quang Hiếu, gây thiệt hại số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan công an thu giữ nhiều hóa đơn, tài liệu sổ sách quan trọng liên quan việc mua bán hóa đơn để phục vụ điều tra…
Theo cơ quan chức năng, khoảng 2 năm trở lại đây, Tòa án Nhân dân 2 cấp của tỉnh đã đưa ra xét xử nhiều vụ mua bán hóa đơn trái phép trên địa bàn. Thủ đoạn chính của các đối tượng là khi thành lập công ty, nhận thấy một số cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu mua khống hóa đơn (không kèm theo hàng hóa) để hợp thức hóa đầu vào khi thanh, quyết toán công trình và quyết toán thuế nên các đối tượng nảy sinh ý định sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của công ty để xuất bán trái phép nhằm thu lợi bất chính.
Theo một cán bộ điều tra, các đối tượng vi phạm trong việc bán hóa đơn thường là chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp sau khi được cơ quan thuế đồng ý cho in hóa đơn, vì lợi ích cá nhân đã bán khống cho các cơ quan, tổ chức để họ hợp lý hóa chứng từ thanh, quyết toán. Trong khi, các giao dịch mua bán không có thật trên thực tế, hoặc có thật nhưng khai tăng giá trị hàng hóa…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện; tăng cường kiểm tra sau cấp phép, rà soát việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên xuất hóa đơn nhưng báo lỗ; ngành thuế và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
Đồng thời, phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin để tăng cường quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm của người nộp thuế; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý để đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa vi phạm; triển khai rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy để giảm việc in, phát hành và ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp…
Bài, ảnh: THÁI SƠN