Phòng chống mua, bán người thông qua di cư ra nước ngoài

Ngày 30/7 – ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Ảnh: baoquocte.vn

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Báo cáo của Công an tỉnh cho thấy, nổi lên một số phương thức thủ đoạn là lợi dụng mạng xã hội (zalo, facebook…), sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài ép mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage. Các đối tượng người nước ngoài dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức đưa họ vượt biên trái phép. Các nạn nhân khi sang Campuchia bị bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh, bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.

Một mánh lới khác nữa là, nhiều đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận, có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính… Nhiều nhóm kín “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội tìm kiếm những phụ nữ có thai, nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi. Tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại cũng tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Thừa Thiên Huế có 16 trường hợp sang Campuchia lao động nhưng mất liên lạc. Gia đình đã viết đơn trình báo cầu cứu Công an tỉnh nhằm hỗ trợ tìm kiếm. Hiện có 9 trường hợp đã về đoàn tụ gia đình (gia đình mất một khoản tiền chuộc từ 45 triệu đồng đến 150 triệu đồng).

Phòng Cảnh sát hình sự tiến hành xác minh, điều tra vụ việc 3 trường hợp LVH, LSC và NVT, sinh năm 2005, trú tại Phú Bài, Hương Thủy. Các em bị các đối tượng lừa đảo rủ rê, tuyển dụng lao động với mức lương 50 triệu động/tháng. Sau đó, 3 em đón xe vào Kiên Giang, lên tàu đánh cá ra biển. Quá trình đánh cá trên tàu, các em bị hành hạ, đánh đập và bóc lột. Qua xác minh, xác định có người Hoàng Tấn Nghĩa, trú tại 70 Phù Đổng, Pleiku, Gia Lai cùng 2 người khác ôm phao nhảy xuống biển, được ngư dân Malaysia cứu từ ngày 2/7/2022. Theo ông Tuyên, các em H., C. và T. đã bị lừa không nhận được tiền như đã hứa, bị hành hạ, đánh đập, cưỡng bức lao động.

Tăng cường các giải pháp phòng, chống

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg phê duyệt ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, công tác truyền thông phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng được đẩy mạnh; xây dựng, duy trì hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ lồng ghép phòng, chống mua bán người và di cư an toàn.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người, các cấp, các ngành cần xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài ngay từ địa bàn bản, làng, thôn, xã.

Theo bà Phan Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện rất mạnh mẽ công tác tuyên truyền, nhưng chủ yếu chỉ tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên của mình, còn những nhóm người đối tượng đích lại ít được tuyên truyền, ít theo dõi thông tin, thời sự pháp luật. Các nạn nhân tự trở về hầu như không khai báo với chính quyền địa phương vì lo sợ trả thù hay mặc cảm tự ti nên việc tiếp xúc, hỗ trợ càng gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cơ sở thường xuyên thay đổi nên hạn chế về kỹ năng cũng như kinh nghiệm thực tiễn nhất là trong những tình huống hoạt động độc lập nên hiệu quả vẫn chưa cao. Nguồn kinh phí đầu tư còn hết sức hạn chế, nhất là công tác phòng ngừa ở cộng đồng dân cư.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Kim Loan cho hay, các cấp hội đã xây dựng và nhân rộng 23 mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người, đặc biệt tập trung ở các địa bàn miền núi có chung đường biên giới với nước bạn Lào; tổ chức kết nối cho phụ nữ hồi hương trở về được vay vốn, học nghề, tạo việc làm tại địa phương. Trong 5 năm, các cấp hội chủ động mở rộng hoạt động tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT và ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh và giải ngân trên 445 tỷ đồng cho 18.335 hộ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; vận động phụ nữ tham gia hoạt động tiết kiệm tự nguyện, tạo nguồn vốn nội lực đáng kể tại chỗ với tổng số tiền tiết kiệm lên tới 74 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ vốn vay cho 1.088 chị phụ nữ di cư hồi hương trở về.

Việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội là rất cần thiết. Bên cạnh đó, quan tâm công tác xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân để hạn chế tình trạng đồng bào bị dụ dỗ ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Bài, ảnh: Huế Thu

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …