Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu kiểm tra công tác vận hành tại Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2
Đóng góp lớn vào hệ thống điện Quốc gia
Hiện, trên địa bàn huyện Phong Điền có 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 100MW.
Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 đóng trên địa bàn xã Phong Chương, huyện Phong Điền với diện tích gần 59 hecta, đưa vào vận hành từ năm 2020. Công trình có tổng công suất thiết kế là 50MW với trên 128.000 tấm pin mặt trời. Trong năm 2022, doanh thu của nhà máy hơn 112 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 9 tỷ đồng.
Dự án nhà máy điện mặt trời Phong Hòa (huyện Phong Điền) với công suất 50MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung danh mục các dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực. Lãnh đạo huyện Phong Điền kiến nghị sớm ban hành cơ chế đấu thầu thí điểm phát triển điện mặt trời, qua đó có cơ sở pháp lý để tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát ngày 14/3, lãnh đạo Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 cho rằng, Nhà nước cần thành lập hoặc sớm có hướng dẫn thành lập đơn vị chuyển xử lý pin mặt trời bị hư hỏng hoặc sau khi hết thời hạn sử dụng.
“Trước mắt pin bị hư hỏng chúng tôi đang lưu kho với số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới nên về lâu dài cần có trung tâm xử lý pin thải tại Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc phát triển Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 chia sẻ.
Đối với Công trình thủy điện A Lưới trên sông A Sáp (huyện A Lưới) do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư với tổng công suất lắp máy 170MW, điện lượng trung bình hàng năm 649,7 triệu kWh. Đây là công trình kiểu đường dẫn, kênh dẫn nước xuất phát từ đuôi hồ A Lưới nối với cửa để lấy nước, đường hầm và đường ống áp lực dài gần 11,5km dẫn nước vào nhà máy thủy điện. Nước sau nhà máy đổ vào thượng nguồn sông Bồ bên bờ trái cung cấp thêm nguồn nước hồ Hương Điền.
Ngoài nhiệm vụ phát điện, công trình này còn góp phần tăng lưu lượng nước cho hệ thống sông Bồ, sông Hương vào mùa kiệt, bổ sung nước làm gia tăng điện năng trung bình năm cho Nhà máy Thủy điện Hương Điền.
Giai đoạn 2016-2021, Công ty CP Thủy điện miền Trung đóng góp vào hệ thống điện Quốc gia với sản lượng 3,5 tỷ kWh điện; thực hiện nộp ngân sách địa phương với giá trị hơn 753 tỷ đồng. Đồng thời quan tâm đến đời sống người dân các khu tái định cư với nhiều chương trình an sinh xã hội.
“Hiện nay có tình trạng người dân xây nhà trái phép trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện A Lưới. UBND huyện A Lưới đang chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp cùng công ty củng cố hồ sơ, vận động người dân tháo dở, di dời”, lãnh đạo Công ty CP thủy điện miền Trung cho biết tại buổi làm việc với đoàn giám sát ngày 15/3.
Việc quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo cần phù hợp với thực tiễn địa phương
Chú trọng đảm bảo an toàn
Tại buổi giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao việc vận hành ổn định, an toàn của các nhà máy điện mặt trời. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng lưu ý cần đánh giá đầy đủ, lâu dài về tác động đến môi trường của các quy trình: rửa pin, xử lý rác thải rắn… để có báo cáo đầy đủ.
Phát triển năng lượng tái tạo phải gắn với bảo vệ mô trường, tuyệt đối không để xảy ra sự cố nghiêm trọng trong quá trình vận hành. Riêng đối với kiến nghị thành lập đơn vị chuyên trách xử lý pin thải, đoàn giám sát sẽ tổng hợp để có ý kiến với Quốc hội. “Việc này là chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhưng rất cần được cân nhắc, đánh giá đầy đủ. Chúng tôi sẽ tham vấn với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành khác , nhất là các địa phương phát triển mạnh về điện mặt trời để có hướng đề xuất cụ thể, hợp lý”, bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn huyện A Lưới, lãnh đạo huyện này thông tin, giai đoạn 2016- 2021, trên địa bàn huyện đưa vào vận hành 4 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 205,2 MW. Phát triển năng lượng trên địa bàn huyện có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đảm bảo đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Nhìn nhận những khó khăn, lãnh đạo huyện A Lưới cho biết, một số trạm biến áp hiện tại có mức mang tải cao, cần sớm được đầu tư đưa vào hoạt động các trạm nguồn mới đảm bảo cấp điện ổn định, chất lượng. Nguồn nhân lực thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng còn hạn chế cả về số lượng, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn. Công tác đầu tư xây dựng điện gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng còn có hạn ảnh hưởng nhiều đến tiến độ cải tạo sửa chữa điện, việc chấp hành pháp luật của một số người dân còn chưa cao.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao các hoạt động an sinh xã hội của các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện A Lưới sau khi đi vào hoạt động, đặc biệt là ở Nhà máy Thủy điện A Lưới. Song, bà Sửu cho rằng, hệ thống giao thông tại các khu vực thủy điện đang xuống cấp, cần phải đánh giá xem xét lại.
Công tác phát triển năng lượng trên địa bàn huyện A Lưới cũng cần được đánh giá chính xác; tùy nội dung quy hoạch để lấy ý kiến người dân phù hợp, nhất là công tác quy hoạch các nguồn năng lượng mới.
Bà Sửu đánh giá, hiện nay, người dân sinh sống tại các khu vực thủy điện đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt về đất sản xuất. Ngoài ra, cần đánh giá thực chất công tác trồng rừng thay thế, để duy trì hệ sinh thái; đánh giá đúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo yếu tố môi trường, kinh tế và dân sinh.
“Bảo đảm an toàn trong phát triển năng lượng là rất quan trọng, cùng với đó là giải quyết câu chuyện phát triển kinh tế, việc làm cho người dân địa phương. Huyện A Lưới cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra giám sát, nhất là vấn đề dân sinh, quốc phòng an ninh. Những kiến nghị của huyện chúng tôi sẽ tổng hợp để báo cáo với các cấp có thẩm quyền”, bà Nguyễn Thị Sửu nói.
LÊ THỌ