Phát huy vai trò của bí thư cấp ủy trong giải phóng mặt bằng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh về cơ sở kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng

Sâu sát cơ sở

Trong chỉ đạo điều hành, Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh xác định cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung quan trọng, liên quan đến nhiều chủ thể, lợi ích trực tiếp của người sử dụng đất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo GPMB do bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo GPMB các cấp. Điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến GPMB bảo đảm đúng, phù hợp quy định của pháp luật. Định kỳ, Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh tổ chức họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ công tác GPMB các DA.

Là đô thị hạt nhân của tỉnh, TP. Huế luôn có nhiều DA, quy hoạch, chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị cần đến việc di dời, GPMB có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Trong đó, có DA trọng điểm di dời dân cư GPMB khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế với hơn 4.900 hộ dân phải di dời, tái định cư. Nhiều năm qua, Thành ủy Huế yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để nghiên cứu, giải quyết và đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Theo UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB TP. Huế, ông Phan Thiên Định, để đạt được những kết quả quan trọng đó, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị luôn quán triệt và xác định việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc chấp hành chính sách GPMB, từ đó tạo sức lan tỏa trong Nhân dân, tạo đồng thuận, ủng hộ trong toàn xã hội. Đây là những giải pháp phù hợp với thực tiễn của thành phố, đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tổ chức công khai thông tin, lấy ý kiến Nhân dân và đối thoại trực tiếp với người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; qua đó, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Thời gian qua, với nỗ lực của hệ thống chính quyền địa phương, công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư triển khai hiệu quả và đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều địa phương đã nêu lên những khó khăn về tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn còn những vướng mắc như: bố trí quỹ đất do giải tỏa nhà thờ họ; đền bù những khu đất lớn; bố trí tái định cư cho người Việt Nam đang ở nước ngoài…

Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, tiến độ thẩm định, phê duyệt các chính sách về giá đất, vị trí tái định cư chậm, dẫn đến tiến độ thực hiện GPMB tại nhiều DA bị kéo dài; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện GPMB và các ban, ngành có liên quan còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách quy định về GPMB của Nhà nước và tỉnh chưa phù hợp thực tế, dẫn đến người dân có những kiến nghị cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện GPMB một số DA trên địa bàn.

Đảm bảo lợi ích của người dân

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo GPMB giữa năm 2022, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB tỉnh nhìn nhận, ngoài những kết quả đạt được trong công tác GPMB, vẫn còn nhiều rào cản đến từ thực tế, từ cơ chế chính sách gây không ít khó khăn cho các DA đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế đó, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh đề nghị, Ban Chỉ đạo GPMB các cấp phải kiện toàn và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác GPMB, tiến hành trao đổi định kỳ, thường xuyên; cấp tỉnh tiến hành họp 3 tháng lần, cấp cơ sở một tuần hoặc 10 ngày để xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là chuyển đổi đất cần làm chặt chẽ, chi tiết, đúng quy định; đối với các DA trọng điểm đề nghị báo cáo tiến độ hàng tháng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu bí thư, chủ tịch các địa phương dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo đến tận cơ sở xã, phường; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương với cơ sở; thống nhất từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh trong chỉ đạo công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các DA. Bên cạnh đó, cần kiểm tra rà soát lại các DA liên quan có đất rừng, có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; các khu vực liên quan mỏ tài nguyên cần đánh giá lại tác động ảnh hưởng của khai thác mỏ, điều chỉnh lại quy hoạch.

“Trong công tác GPMB cần chú trọng công tác đối thoại, tuyên truyền, vận động thường xuyên; công khai các DA, quy hoạch cho dân biết. Công tác GPMB là công việc khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nếu không cẩn thận dễ dẫn đến sai phạm; đề nghị lãnh đạo các địa phương phải quyết liệt, mạnh dạn làm, làm đúng thẩm quyền, làm với tinh thần chung là đảm bảo lợi ích của người dân; đáp ứng kịp thời, đúng tiến độ cho các DN đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh” – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh chỉ đạo.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …