Phát huy và bảo vệ hệ giá trị quốc gia

Đại hội XIII của Đảng định hướng hình thành hệ GTQG trong giai đoạn mới. Ảnh: TTXVN

Hệ GTQG đưa ra 9 tiêu chí: “Hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. Các tiêu chí nêu ra có ý nghĩa quan trọng về đối nội, đối ngoại, có thể xem như một tuyên ngôn chính trị về xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là xây dựng một nước hòa bình, độc lập, thống nhất, có nền kinh tế phát triển cao, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ bình đẳng và hợp tác với các nước trên thế giới. Không chỉ đúc rút từ trong quá khứ mà còn là hệ giá trị có ý nghĩa định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và hành động của toàn dân.

Ngay sau khi hình thành nhà nước năm 1945, chúng ta đã đề ra mục tiêu: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” ngay dưới tiêu đề Nhà nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa”(nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nội dung từng mệnh đề của hệ giá trị được đánh thức vào thời điểm hiện nay chính là những mục tiêu cao nhất đặt ra.

Trải qua hàng ngàn năm chống phong kiến xâm lăng, hàng trăm năm chống thực dân, đế quốc xâm lược, chúng ta hiểu cái giá của hòa bình, độc lập của đất nước, người dân được sống trong bình yên. Không có gì hơn khi một dân tộc cùng chung ý chí, khát vọng tự do, hòa bình, độc lập được hình thành từ truyền thống dựng nước, giữ nước đã làm nên những giá trị đó.

Từ một nước nhỏ đã có những thời kỳ xem như bị xóa tên trên bản đồ thế giới, cho đến cuộc Cách mạng tháng Tám thực sự giành được độc lập. Chưa bao lâu lại phải trải qua hơn 20 năm chiến đấu chống xâm lược mới giành lại được hòa bình, thống nhất năm 1975. Có được thành quả đó là kết tinh sự lãnh đạo tài tình của Đảng và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Cái giá của hàng triệu người phải ngã xuống vì hòa bình, độc lập, thống nhất là biểu hiện ý chí của chân lý bất diệt: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Chúng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước, Nhân dân được sống trong hòa bình, không còn lo sợ vì bom rơi, đạn lạc. Sự hy sinh của cả dân tộc là tiền đề cho mục tiêu cao hơn về quyền làm chủ của người dân. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra 9 giá trị tiêu biểu quốc gia, trong đó đặt lên hàng đầu là hòa bình, đi liền với độc lập, thống nhất. Đó là những giá trị thiêng liêng, là khát vọng cháy bỏng.

Hiện nay, đã có những nước có nền kinh tế giàu mạnh, người dân có đời sống vật chất đầy đủ nhưng thống nhất, hòa bình đang là dấu hỏi lớn. Người dân trong một nước phải sống chia lìa, súng đạn đe dọa từng ngày, an ninh đất nước, an toàn của người dân như là điều xa xỉ, trái ngược với điều kiện vật chất đầy đủ.

Chiến tranh đi qua, đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng tất yếu sẽ hình thành những giá trị mới. Tiêu chí “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” là cả một quá trình phấn đấu. Dân giàu là giàu về vật chất và tinh thần; dân giàu gắn với nước mạnh; nước mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Dân giàu, nước mạnh phải dựa trên nền tảng dân chủ và tính ưu việt của chế độ XHCN. Hạnh phúc là thước đo cao nhất về sự hài lòng của người dân và chính tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước cũng luôn nhấn mạnh đến giá trị đó.

Với Việt Nam dân giàu gắn với bình đẳng, đảm bảo an sinh xã hội, mọi người đều được hưởng thụ hạnh phúc, cùng nhau phát triển. Hệ GTQG: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc là tiêu chí có giá trị nhân văn cao nhất. Đến nay, khát vọng về dân giàu, nước mạnh càng thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và toàn dân.

Mọi so sánh khó liệt kê đầy đủ nhưng nếu đặt mình vào thời kỳ chiến tranh và những năm sau 1975 mới thấy có được cuộc sống hiện nay là sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Chúng ta không tự đề cao mình, những thành tựu đó đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và được thể hiện rõ trong đời sống của từng gia đình. Việt Nam mới thoát nghèo, chưa thực sự giàu có, nhưng nhìn lại mới thấy được sự đổi mới có ý nghĩa sống còn và phải tiếp tục khắc phục những tồn tại đem đến sự hài lòng của người dân.

Những tiêu chí về Hệ GTQG là kim chỉ nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm chính trị của Đảng ta. Những tiêu đó không còn xa vời, viễn tưởng mà đang thể hiện rõ trong đời sống chính trị của đất nước. Thế nhưng, mỗi hệ giá trị đó chưa thể trọn vẹn khi mà tình hình thế giới và trong nước đang tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Âm mưu từ bên ngoài, những kẻ phản bội đất nước không từ bỏ hận thù đang tìm mọi cách phá hoại công cuộc xây dựng đất nước thì hòa bình chưa thể có được bền vững.

Không muốn đất nước phát triển, đòi loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng, từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa… là âm mưu và mục đích của các thế lực thù địch. Bất luận hoàn cảnh nào đều không được mất cảnh giác và càng phải quyết tâm cao hơn nữa để giữ vững những giá trị đó. Con đường đi lên CNXH là hướng tới mục tiêu các nội dung trong Hệ GTG đề ra. Tương lai của dân tộc đang dần được hiện thực hóa rất cần sự chung tay của toàn dân. Đó vừa là yêu cầu, vừa là xu thế không thể đảo ngược.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …