Pháo hoa ngày tết: Không để người dân lợi dụng

Lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế xác minh, làm rõ số pháo hoa khối lượng hơn 21kg trên xe ô tô tải BKS 43C-071.59

Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về Trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh cho biết, Nghị định 137/2020/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 137) của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo được ban hành thay thế cho Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.

Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện, tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi cho tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi… và được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, tuy nhiên đến nay vẫn còn rất nhiều người dân chưa nắm rõ các quy định trong Nghị định này, không phân biệt đúng pháo hoa và pháo hoa nổ, từ đó dẫn đến vi phạm khi sử dụng pháo hoa nổ.

Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế trao đổi, pháo hoa mà cá nhân, tập thể được phép sử dụng là pháo không nổ, còn lại nổ là vi phạm pháp luật. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân thì, đơn vị cũng đã và đang tiếp tục chỉ đạo công an các phường, xã, đội nghiệp vụ bám nắm địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng, vận chuyển pháo trái phép.

Mới đây, qua tuần tra kiểm soát tại tuyến đường tránh TP. Huế, lực lượng Phòng CSGT Công an bắt quả tang Nguyễn Đức N (SN 1999), trú xã Điện Phước, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) vận chuyển 12 giàn pháo hoa nổ nhãn mác nước ngoài không có hóa đơn chứng từ có khối lượng hơn 21kg trên xe ô tô tải BKS 43C-071.59.

Sau khi điều tra làm rõ, ngày 17/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam N về hành vi tàng trữ hàng cấm.

Trước đó, cũng trên tuyến tránh QL 1A qua xã Hương Thọ (TP. Huế), Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Huế phát hiện xe ô tô tải mang BKS 89C-210.67 do Lưu Luyện A (SN 1993), trú tại tỉnh Hưng Yên) điều khiển chở 120 quả pháo điện cùng hơn 300 bộ đồ chơi trẻ em và hàng trăm sản phẩm có nhãn mác nước ngoài.

Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng pháo nổ từ 06 kg đến dưới 40 kg có thể phạt tù lên đến 3 năm

Tại điểm c, khoản 1, Điều 191 của Bộ Luật hình sự hiện hành quy định, hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng pháo nổ từ 06 kg đến dưới 40 kg có thể phạt tù lên đến 3 năm.

Lực lượng công an toàn tỉnh khuyến cáo, đề nghị người dân phải chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về pháo. Nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, đốt pháo nổ, pháo hoa nổ (trừ cơ quan chức năng có thẩm quyền).

Người dân chỉ đốt pháo hoa (pháo hoa không nổ) trong các sự kiện lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương… và chỉ được mua pháo tại các tổ chức doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng. Vì một cái tết ấm vui tươi, an toàn và tiết kiệm.

Bài, ảnh: ANH PHONG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …