Phải chăng, xử lý cũng mang tính nhiệm kỳ

Tình trạng xây dựng trái phép với những công trình có vốn đầu tư lớn không chỉ diễn ra ở Phú Quốc mà diễn ra ở nhiều nơi.

Qua tìm hiểu một số công trình như vậy, chúng ta thấy có một đặc điểm chung đáng chú ý là các công trình này xây dựng cách đây nhiều năm. Nhiều công trình đã hoàn thành. Như các biệt thự xây dựng trái phép ở Phú Quốc là cách đây 5 năm. Chính quyền cũng đã biết và có những động thái ngăn chặn nhưng “không thành”.

Có mấy câu hỏi cần trả lời. Thứ nhất: Vai trò quản lý của chính quyền như thế nào. Thứ hai: Vì sao bỏ ra rất nhiều tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng có thể rơi vào rủi ro (mà điều này là rủi ro pháp lý rất cao) nhưng nhiều người vẫn chấp nhận, có phải họ liều “được ăn cả ngã về không”? Dù có lý giải đến thấu đáo kiểu nào thì có một bài học đau xót cần rút ra là nếu chúng ta đã để một nguồn vốn rất lớn bị lãng phí. Một căn nhà tình nghĩa, một căn nhà tình thương… gom góp mãi mới xây dựng để tặng được cho người dân nghèo thì đây, những biệt thự to đùng lại đập bỏ thì không đau xót sao được.

Về mặt quản lý Nhà nước, sự buông lỏng thì đã rõ. Vì nói chính quyền không biết thì không thuyết phục được ai. Chính quyền có đầy những công cụ trong tay mà bảo không ngăn chặn được những hành vi sai trái, mà ở đây là diễn ra trong thời gian dài thì lại càng vô lý. Có cảm giác như có sự bao che núp bóng nào đó. Những công trình xây dựng cách đây 5-7 năm, thậm chí nhiều năm bây giờ mới phanh phui ra, phải chăng là có một sự “chống đỡ” nào đó, nhưng bây giờ sự chống đỡ ấy đã hết tác dụng, buộc chính quyền (dù là người nào đứng đầu) phải sửa sai. Trên nhiều diễn đàn người ta đã bàn đến khái niệm “tư duy nhiệm kỳ”. Có thể hiểu là trách nhiệm chỉ được thực hiện trong ngắn hạn, còn hết nhiệm kỳ rồi thì mọi việc tính sau. Trong trường hợp các vụ xây dựng trái phép phát hiện và xử lý chậm, phải chăng có tình trạng “xử lý cũng mang tính chất nhiệm kỳ”? Nhìn các vụ việc đã xảy ra 5-7 năm thậm chí nhiều hơn mới được xử lý, chúng ta không loại trừ khả năng nêu trên. Nói thẳng ra là có tiêu cực, nhưng chưa được “chỉ mặt đặt tên”.

Đối với người bỏ tiền ra xây dựng, có thể có mấy trường hợp xảy ra: làm liều; có thể có sự nhờ vả và hứa hẹn trợ giúp nào đó (ví dụ như sẽ giúp hoàn thiện về mặt pháp lý). Với số tiền bỏ ra rất lớn, dù có tính chất liều nhưng sự kỳ vọng được lợi vẫn lớn hơn, nếu không kỳ vọng việc lợi lớn hơn thì rất ít khả năng họ làm liều. Giống như những người tham nhũng chẳng hạn, họ kỳ vọng là những hành vi của họ không bị phát hiện, dù biết có rủi ro. Vì sự kỳ vọng lớn vào sự không phát hiện được cho nên họ tham nhũng, chứ nếu biết một trăm phần trăm sẽ bị phát hiện thì chắc chắn không ai làm.

Giờ thì trách nhiệm của các bên – bên vi phạm và bên quản lý như thế nào? Bên vi phạm rõ ràng phải khắc phục vi phạm, trường hợp vi phạm nặng thì tùy quy định của pháp luật mà xử lý. Nhưng điều quan trọng nhất là phải xem xét trách nhiệm quản lý của chính quyền. Nếu không xem xét thấu đáo việc này thì tương lai có thể còn những trường hợp như vậy lặp lại.

Trên cả nước, thời gian qua những sai phạm về quản lý đất đai bị phát hiện quá nhiều. Nhiều lãnh đạo cao cấp của các địa phương đối diện với pháp luật cho chúng ta thấy tính phức tạp của vấn đề.

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Một học sinh đuối nước trên sông Bồ

Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ- ảnh PCCC Khoảng 9 giờ …