Nương nhờ con nước

Ngư dân Phú Diên (Phú Vang) chuẩn bị ngư lưới cụ cho những chuyến vươn khơi

1. Tết này, ông Ái vừa được bầu làm ông Hội làng. Ở làng quê ven biển Thế Mỹ A (Điền Hòa, Phong Điền) chỉ hơn 100 hộ dân thôi, nhưng việc bầu ông Hội vẫn khắt khe và quy tắc. Người trạc tuổi như ông Ái thì nhiều, nhưng gắn bó với biển như ông cho đến bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông được bầu Hội làng không chỉ vì cái uy mà bởi ông hiểu biển, từng ngọn gió, con sóng có đổi thay thế nào thì ông chỉ cần liếc mắt là đoán được.

“20 năm trước dọc bờ biển thời điểm này, từng đoàn thuyền nối đuôi nhau hái lộc đầu năm, nhưng nay thuyền đã thưa thớt, tiết trời đầu năm cũng không thuận để vươn khơi. Thời thế đã đổi thay, nhưng hình ảnh dòng người xuôi ngược, đàn bà đạp trảng cát bỏng rát gánh cá đổi chác, bán mua mấy chục năm trước như mới hôm qua”, ông Ái tặc lưỡi, dẫn tôi đi dọc bờ biển khám phá hương xuân nơi vùng nước mặn những ngày đầu năm.

Vùng “sóng lừa” mất dấu bởi con nước lớn. Sóng biển cũng “đẩy” thuyền neo về phía cồn cát. Những con thuyền ấy như đang níu giữ sứ mệnh nguồn cội của những con người một thời di dân.

Với tư cách của một ông Hội làng, ông Ái rảo bước thắp hương trên đầu mũi mỗi chiếc thuyền, miệng lẩm bẩm, cầu nguyện. “Mai là ngày tốt, dân làng tổ chức cúng biển. Dù nghề biển có mai một như thế nào thì đầu năm dân làng cũng phải cúng”, ông Ái nói nhỏ.

Không chỉ vùng bãi ngang ven biển Ngũ Điền, mà dọc dài những làng quê nép mình bên chân sóng, tết đến là dịp người ta gửi niềm tin vào sóng biển. Họ cúng, nguyện cầu không chỉ để có những mùa cá bội thu mà còn mong ước những điều bình an đến với từng phận người. Những nóc nhà cạnh con sóng có thể không còn gắn bó với nghề biển, nhưng mâm cúng vẫn cứ tươm tất, đủ đầy.

Ngày cúng thần biển họ nhớ về mùi tanh của con cá trên bãi bờ, mùi mắm phảng phất phía đầu làng và cả những con ruốc đỏ au được phơi trên trảng cát… “Bỏ nghề biển không có nghĩa là rời xa biển. Thế hệ sau không cầm mái chèo, nhưng tổ tiên đã từng nương nhờ vào biển để nuôi sống gia đình. Quan niệm ấy đã ngấm vào máu thịt của mỗi con dân làng biển nên đầu năm phải cúng. Tục cúng biển mà mất đi thì làng quê cũng không còn”, ông Ái nói. Người đàn bà tên Lơ trong căn nhà sát nách biển vọng ra: “Khi mô cúng khe?”.

Bà Lơ đang nhắc đến khe Long (long nguồn), dẫn mạch nước rỉ từ phía cồn cát đổ ra biển. Thời chưa có nước máy, nguồn nước ấy giúp dân làng sinh hoạt, tưới tắm. Bất cứ làng biển nào ở dải đất Thừa Thiên Huế đều có long nguồn. Bây giờ, nước long nguồn vẫn chảy và cư dân miệt biển đã tu bổ, lập đền thờ trang trọng. Hàng năm, sau cúng biển, dân tập trung cúng khe Long.

Mùa xuân của người miệt biển gắn liền với nhiều tập tục tín ngưỡng. Họ phải nhờ ơn của thần linh, nương vào nguồn nước nên có tục lệ cúng biển, cúng khe. “Đó không phải là mê tín mà là một văn hóa ứng xử tốt đẹp của cư dân miền biển. Trong tâm thức của họ, một số thần sơn thủy sẽ đáp ứng mong muốn của về những mùa cá bội thu, bảo đảm cuộc sống no ấm cho gia đình. Dù nguồn gốc mỗi địa phương mỗi khác nhưng cách ngư dân ứng xử đều như nhau, đó là việc tạo niềm tin trong những ngày đầu năm. Thông qua những lễ cúng thần biển, thần khe thể hiện đạo lý biết ơn. Và sau những lời nguyện cầu đó chính là những nỗ lực của ngư dân trong cuộc sống suốt một năm trời”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết.

2. Những cộng đồng dân cư vùng biển bãi ngang được hình thành từ những cuộc di dân thời chúa Nguyễn. Khi một bộ phận dân cư trước đó đã chọn vùng đất ven phá định cư làm nông nghiệp thì vùng đất có những cồn cát, gò, bãi hoang còn lại là nơi sinh sống của những phận ngư dân. Họ xuôi theo con nước rồi lập làng, nương nhờ bọt biển. “Chính sự gian khổ hình thành nên tâm tính của ngư dân. Dẫu có những tín ngưỡng đặc trưng, nhưng họ không chờ đợi vào sự cầu may mà luôn chủ động, nỗ lực trong cuộc sống”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nói.

Phụ nữ làng biển phụ chồng gánh thuyền

Làng biển bãi ngang Đông Hải (Quảng Ngạn, Quảng Điền) từ lâu nổi tiếng là vựa cá tươi, cung cấp cho các ngôi chợ ở Quảng Điền, Phong Điền. Khi mà nghề biển ven bờ dần mai một, thuyền nan ở các địa phương giảm dần thì ngư dân Đông Hải vẫn cứ giữ nghề. Mỗi mùa cá về, chồng nào vợ nấy chòng chành cưỡi sóng vươn khơi.

Đàn bà đi biển không lạ, nhưng nhìn hình ảnh phận yếu thế Đông Hải gánh ghe vượt sóng xuyên đêm mới cảm nhận được sức chịu đựng của con người là không có giới hạn. “Gắn bó với nghề biển thì phải chấp nhận vất vả. Ở đâu không biết chứ ở Đông Hải đàn bà cũng vượt sóng vươn khơi. Những lúc đủ đầy bạn thuyền thì đàn bà phụ đẩy ghe, gánh cá. Những công việc đàn ông làm được thì chúng tôi cũng làm được”, bà Võ Thị Hoa (thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn) chia sẻ.

Những ngày đầu năm, đền thờ cá Ông ở các làng biển nghi ngút khói hương. Dẫu chưa có những chuyến vươn khơi đầy ắp cá tôm nhưng niềm tin vào con nước vẫn cứ còn nguyên.

Sau bao năm gặp lại lão ngư Hồ Thạnh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang), ông đã già yếu hơn, nhưng công việc vẫn cũ: Canh mộ ngài ngư. Số phận sắp đặt để ông gắn bó với công việc tâm linh, giúp ngư dân giữ niềm tin với sóng nước hơn chục năm nay. Nói thì dễ nhưng để canh mộ ngài ngư phải có cái tâm hướng về biển, phải mở lòng cầu thần linh những điều tốt đẹp đến với dân làng. “Công việc nhẹ nhàng nhưng phải kỹ lưỡng. Dịp đầu tháng, ngày rằm, lễ tết phải hương khói đầy đủ cho đền thờ. Hàng ngày tôi đi dọc bờ biển ngó con nước để thông tin cho dân làng. Nếu phát hiện cá voi chết dạt vào bờ phải kịp thời khâm liệm đưa vào đền thờ. Đặc biệt, cần loại bỏ những đố kỵ trong tâm, một lòng cầu xin cho dân làng no đủ”, ông Thạnh tâm sự.

Ông Thạnh giờ đã thôi “cưỡi sóng”, nhưng ông vẫn nương nhờ vào con nước. Chính con cá của ngư dân trong làng giúp gia đình ông được ấm no. “Hiện tại, có hơn 30 chiếc thuyền trong làng vươn khơi. Khi cập bờ, các chủ thuyền đều chia cho tôi ít cá tôm nên tôi không lo cái ăn. Nếu dân được mùa tôi cũng có thêm thu nhập”, ông Thạnh nói.

Nhiều làng biển đã tổ chức lễ cầu ngư đầu năm, con nước cũng dần chuyển sang những mùa cá. Dù gì đi nữa cuộc đời của ngư dân phải gắn bó với biển như thời tổ tiên họ mở đất lập làng. Trong thời khó khăn bủa vây, nghiệp ngư có thể mai một nhưng “sứ mệnh” giữ niềm tin với con sóng vẫn luôn hiện diện trong tâm mỗi ngư dân.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …