Nuôi lợn bằng thảo dược

Lợn ngự của Tập đoàn Quế Lâm

Hiệu quả bước đầu

“Rau các loại, mật gấu, khổ sâm, xuyên tâm liên, hoàng ngọc…”, ông Hoàng Tiễn, hộ dân tham gia mô hình nuôi lợn ngự của Quế Lâm ở phường Tứ Hạ (Hương Trà) – vừa nhẩm tính tỷ lệ phối trộn, vừa khệ nệ bưng thau thức ăn đến chăm đàn lợn 80 con (nái và thịt) của mình.

Cứ ngỡ những cái tên thảo dược lạ lẫm với người nông dân như thế, xuất hiện ở một vườn ươm thuốc nào đó, mà nay ông Tiễn lại thuộc nằm lòng. “Dược thảo lại mang đi cho… lợn ăn, như thế nuôi có lỗ không?” – tôi hỏi. Ông Tiễn nói chắc nịch: “Lợn ngự cũng “quý phái” lắm. Thịt thương phẩm phải sạch, ngon, tiêu chuẩn bán mới có lãi, nên cách nuôi cũng cao cấp thế đó, chú à!”

Ông Tiễn bảo rằng, nuôi lợn ngự khác biệt với cách nuôi truyền thống, nuôi công nghiệp ở chỗ ngoài sử dụng thảo dược cùng ít thức ăn tinh thì công nghệ vi sinh là “nền tảng” của mô hình này.

Ông Tiễn nói về kỹ thuật nuôi lợn như những nhà nông học thực thụ. Đó là từ cách chăn nuôi, công nghệ, giống lợn, chuồng trại… đều khác lạ với cách chăn nuôi truyền thống. Chuồng nuôi được xây theo kết cấu của Tập đoàn Quế Lâm với diện tích rộng rãi, bình quân 10m2/con. Đứng gần chuồng nhưng không có cảm giác mùi hôi.

Khu vực nuôi phải có vườn cho lợn “đi dạo” và thả rông chứ không nuôi nhốt hoàn toàn. Lợn sẽ được huấn luyện thải phân đúng chỗ, ăn đúng nơi và đặc biệt là nuôi trên đệm lót sinh học, không sử dụng nước tắm, không hóa chất, chất tăng trọng và sử dụng công nghệ men vi sinh.

Kết quả của lứa nuôi đầu tiên cho thấy, bình quân 210 ngày lợn đạt 70kg là xuất chuồng, tuy thời gian nuôi dài hơn so với cách nuôi truyền thống (165 ngày), nhưng tránh được dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon và hướng đến thị trường cao cấp. Nhờ chủ động được con giống, được bao tiêu sản phẩm cố định nên bình quân mỗi con lợn xuất chuồng, hộ dân có lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con.

Ông Tôn Thất Thạnh, Cố vấn cho Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, cho biết: Lợn ngự là giống lợn lai tạo trên cơ sở giống bản địa, riêng có của Quế Lâm với đặc tính mắn đẻ, hiền lành, đề kháng tốt, nuôi con giỏi. Mô hình được triển khai đầu tiên tại cơ sở của Quế Lâm ở Tứ Hạ hơn 1 năm nay, với tổng đàn 100 con lợn nái và lợn thịt, đã xuất được 2 lứa lợn thương phẩm, thị trường đón nhận rất tốt. Từ đây, hộ dân tham gia mô hình đều được tập huấn, trang bị kiến thức công nghệ vi sinh và nuôi gia công liên kết, được cung ứng vật tư, thức ăn đầu vào và bao tiêu sản phẩm từ Tập đoàn Quế Lâm.

Nhân rộng sản phẩm

Ông Tôn Thất Thạnh cho biết, nuôi lợn trên “nền tảng” công nghệ vi sinh với phương thức nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hữu cơ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm thực tế đã chứng minh thời gian qua từ trang trại nuôi theo công nghệ 4F của đơn vị này ở xã Phong Thu (Phong Điền). Từ cuối năm 2020, trong khi cả nước và ngay ở Thừa Thiên Huế, nhiều nông hộ, trang trại của doanh nghiệp “quay quắt” với dịch tả lợn châu Phi, thì lợn ở trang trại của tập đoàn đều “bình yên”.

Khác biệt với các mô hình chăn nuôi truyền thống, công nghiệp thì chăn nuôi theo công nghệ 4F (như nuôi lợn ngự hiện nay) áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại nhất trên thế giới trong chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ và bảo vệ môi trường; sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn và nước uống, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn và tăng tính miễn dịch và chống lại một số vi sinh vật gây bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, thảo dược cũng tăng cường sức khỏe cho lợn và cho ra sản phẩm thịt ngon, đạt chuẩn, cao cấp hơn.

“Hiện qua 2 lứa chúng tôi đã xuất bán với giá 100 nghìn đồng/kg, khách hỏi không có hàng mà bán. Sắp đến, thịt lợn ngự sẽ có mặt ở cửa hàng siêu thị của Quế Lâm TP. Huế”, ông Thạnh chia sẻ.

Để nhân rộng mô hình, Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với HTX Phù Nam (phường Thủy Châu, TX. Hương Thủy) xây dựng mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ thịt lợn. Theo đó, HTX bỏ ra kinh phí 350 triệu đồng xây chuồng trại (250m2) theo thiết kế, kết cấu của tập đoàn để nuôi thí điểm 8 lợn nái, 60 lợn thịt. Tập đoàn sẽ cung ứng thức ăn, men vi sinh, kỹ thuật nuôi và các vật tư đầu vào để triển khai mô hình liên kết và tạo tiền đề cho việc nuôi lợn ngự sau này.

Tập đoàn Quế Lâm cũng cam kết thu mua 65 nghìn đồng/kg giá lợn hơi cho các hộ dân tham gia nuôi và đào tạo, tập huấn cho người tham gia kỹ thuật nuôi lợn bằng công nghệ vi sinh, thụ tinh sản xuất lợn giống ở dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F ở Phong Thu. Từ đây, lợn giống cũng được mang vào cung ứng cho HTX, người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đánh giá, lợn ngự có ưu điểm về con giống, là cặp lai trở thành giống bản địa và doanh nghiệp cho sinh sản thông qua kỹ thuật phối tinh nhân tạo, trong máu giống lợn này có một phần giống lợn móng cái.

Đến nay, thịt lợn này đã có nhiều người mua, chất lượng thịt rất thơm ngon, kể cả lớp mỡ cũng vậy. Thông thường các yếu tố quyết định chất lượng thịt thơm ngon đó là phải có lớp mỡ dắt và omega3 cao, được tích hợp từ các giống bản địa, rất có lợi cho sức khỏe con người. Với nguồn giống tốt, Tập đoàn Quế Lâm sẽ dễ dàng cho sinh sản và phát triển thị trường thịt trong thời gian tới.

Đây là mô hình đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Để phát triển những mô hình chất lượng như thế này, ngành đã lưu ý đến các chính sách hiện có của tỉnh để cùng các địa phương triển khai. Tỉnh đã có một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng các chính sách hỗ trợ sau đầu tư có chăn nuôi trang trại, hữu cơ, sản xuất giống chất lượng cao.

Hiện nay chăn nuôi trong tỉnh đang chuyển dịch mạnh từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô nông hộ, trang trại, có ứng dụng công nghệ cao, nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Toàn tỉnh có trên 385 trang trại. Trong đó, Tập đoàn Quế Lâm đã có trên 40 cơ sở chăn nuôi ở các địa phương nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh với tổng số trên 250 con lợn nái và 5.000 con lợn thịt và 1 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F ở xã Phong Thu với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 con lợn giống, lợn thịt.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …