Kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn của một hộ vay vốn từ NHCSXH ở xã Vinh An (Phú Vang)
Cách đây hơn 5 năm, hộ ông Phạm Tấn Quang ở thôn 4, xã Vinh An (Phú Vang) được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thông qua HND xã. Từ nguồn vốn này, vợ chồng ông Quang đầu tư mô hình chăn nuôi đa dạng đối tượng như lợn, gà, chim cút, vịt, cá… và trồng rau. Các đối tượng nuôi hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, như rau phục vụ nguồn thức ăn cho lợn, gà; phân thải từ chăn nuôi phục vụ bón rau an toàn và chế biến thức ăn cho cá… Từ hai năm nay, mô hình kinh tế gia trại VAC tổng hợp của ông Quang mang lại nguồn thu nhập 150-200 triệu đồng/năm.
Hộ ông Hồ Viết Hoài ở xã Phú Lương (Phú Vang) được HND xã tạo điều kiện ủy thác cho vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn vay cộng thêm ít vốn tích lũy, gia đình ông Hoài đầu tư trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà. Đàn gia súc, gia cầm từng bước được gầy dựng, số lượng tăng lên hằng năm. Mỗi năm gia đình ông thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ xuất chuồng các lứa lợn, gà thương phẩm và giống. Từ nghèo khó, hộ ông Hoài giờ đây ổn định cuộc sống, có cơ hội vươn lên khá giả.
Ông Mai Xuân Hóa, Chủ tịch HND huyện Phú Vang chia sẻ, những năm qua, các cấp HND trên địa bàn phối hợp với NHCSXH huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó giúp hàng ngàn hộ có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc đánh giá, bão lũ, hạn hán những năm gần đây cộng với dịch COVID-19 tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, hoạt động phát triển kinh tế của nhiều hội viên, nông dân, trong đó có hoạt động tín dụng chính sách. Tuy nhiên, NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể quản lý tốt nguồn vốn ủy thác, chất lượng tín dụng được duy trì ổn định, bền vững; nguồn vốn chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.
Nguồn vốn ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể huyện Phú Lộc đến cuối năm 2021 gần 400 tỷ đồng với 11.364 hộ còn dư nợ, 284 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nợ quá hạn chỉ 278 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ ủy thác. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục phối hợp với NHCSXH khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác ủy thác, thực hiện tốt mục tiêu vừa chống dịch COVID-19, vừa kịp thời chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hầu hết các hộ nông dân, đối tượng được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế đều từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả.
Ông Phan Xuân Nam, Phó Chủ tịch HND tỉnh đánh giá, thông qua HND các cấp, nhiều hội viên, nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhất là NHCSXH. Từ nguồn vốn vay cộng với sự định hướng, xây dựng mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến, nhiều nông dân biết cách làm ăn đã thoát nghèo bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Với các hộ có điều kiện vay nguồn vốn lớn đầu tư phát triển mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ… có cơ hội vươn lên làm giàu. Từ đó, nhiều hội viên, nông dân có điều kiện hiến đất, góp công, kinh phí cùng với địa phương xây dựng công trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Theo HND tỉnh, thời gian qua, các cấp HND tăng cường phối hợp với NHCSXH để giúp nông dân vay vốn; dư nợ các chương trình tín dụng ủy thác qua tổ chức HND đến cuối năm 2021 gần 923 tỷ đồng thông qua 700 tổ vay vốn giải ngân cho gần 25 ngàn hộ vay; nợ quá hạn chỉ 452 triệu đồng (tỷ lệ 0,05%). HND các cấp chủ động phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ gần 192 tỷ đồng thông qua 184 tổ vay vốn với 2.654 hộ vay. Ngoài ra, dư nợ nông dân vay tại Ngân hàng Liên Việt Post Bank trên 52 tỷ đồng với 1.607 hộ vay.
Bài, ảnh: Triều Nga