Chiến tranh lùi xa đến gần cả nửa thế kỷ, phần lớn binh sĩ tham chiến thời chống Mỹ nay đều ở tuổi xấp xỉ 80 hoặc hơn. Có vị như Trung đoàn trưởng Trần Lưu Chữ đã qua đời, thêm nữa đơn vị này giải thể đã lâu, tôi cố tìm nhưng thú thật đến nay vẫn chưa có trong tay cuốn lịch sử của trung đoàn này nhưng tôi hứa là mình sẽ cố.
Di ảnh liệt sĩ Đỗ Công Giao
Chị Tô Thị Vân Anh là cháu ngoại của liệt sĩ Nguyễn Tiến Lâm, quê ở xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Chị cho biết, ông ngoại của mình nhập ngũ năm 1967 và hy sinh ngày 28/11/1968 tại Bắc Truồi, xã Diên Lộc (nay là Lộc An, Phú Lộc). Trước khi hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Tiến Lâm là chiến sĩ của Đại đội 4 chủ lực, Tiểu đoàn 4C, Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên-Huế.
Tiểu đoàn 4C lúc đó do ông Tuất (Dâu) làm Tiểu đoàn trưởng, ông Khánh làm Chính trị viên; ông Trần Lưu Chữ làm Trung đoàn trưởng; ông Vững làm Chính ủy. Còn chị Phạm Thị Huế gọi liệt sĩ Đỗ Công Giao bằng chú bên chồng. Theo tài liệu mà chị cung cấp, thì ông Đỗ Công Giao, quê ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ), nhập ngũ năm 1966. Trước khi hy sinh vào ngày 19/2/1968, ông là chiến sĩ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên-Huế. Chị cho biết: “Em đã vào Huế tìm mộ nhưng không thấy. Ban Chỉ huy Quân sự TP. Huế và Quân khu 4 không có hồ sơ. Các bác cựu chiến binh có bác nói tháng 2 năm 1968 đơn vị đánh ở Phú Vang, có bác nói ở Phú Lộc”.
Thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Tiến Lâm
Một cháu ngoại, một cháu dâu vì nghĩ đến cốt nhục của người thân đã nhờ tôi kết nối; dù biết đây là công việc vô cùng khó nhưng tôi không nỡ chối từ.
Khi viết bài báo này, tôi chỉ mong nó đến được với những cựu chiến binh của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 4 thuộc Đoàn 4 Phú Lộc năm xưa.
Chỉ có họ – những đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Tiến Lâm và Đỗ Công Giao mới biết cụ thể họ hy sinh ở địa bàn nào. Qua đó mới lần tìm, dò xét, dù có thể không tìm được hài cốt nhưng phần nào an ủi những tấm lòng đạo hiếu!
Phạm Hữu Thu