Những vọng âm lịch sử

Tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự”

Gần chục năm trước, Lê Vũ Trường Giang lần đầu chạm ngõ văn chương với tập truyện ngắn lịch sử “Ngủ giữa trùng sơn”. Bẵng đi một thời gian dài, người đọc chỉ gặp Giang ở mảng bút ký, tùy bút như “Đi như là ở lại” (Bút ký, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017); “Nở tàn biên niên ký” (Saigon Books & NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018), “Khúc phong cầm trên cát” (Bút ký, NXB Quân đội Nhân dân, 2018), “Căn cước xứ mưa” (Tùy bút, NXB Kim Đồng, 2019). Lần trở lại này, độc giả sẽ gặp lại Lê Vũ Trường Giang với những câu chuyện đậm chất lịch sử, một thể loại mà Giang rất thành công.

13 truyện ngắn trong “Bạc màu áo ngự” mở ra một thế giới đầy tàn khốc của chiến tranh mà ở đó những con người hiện ra đầy dằn vặt, day dứt, đau thương nhưng cũng đầy hào khí và anh hùng trong cuộc chiến chống giặc giữ nước. Tác giả đã hóa thân thành muôn dạng người trong dòng chảy của lịch sử, những người muôn năm cũ của trăm năm, ngàn năm trước. Ở “Bạc màu áo ngự”, người đọc sẽ gặp đủ các lớp người trong xã hội, từ các ông hoàng, bà chúa, quan viên, tướng sĩ, cho đến lớp lớp dân đen. Họ sống và vật lộn với chính thời cuộc mà mình đang sống.

Đọc truyện, lòng sẽ không thôi run lên theo từng bước dịch chuyển của không gian, thời gian và cả những bước đi của nhân vật, dù có đôi khi đó chỉ là những bước chân trong tâm tưởng. Giọng văn sinh động, những hình ảnh lôi cuốn như đập thẳng vào mắt người đọc, cay xè, rát buốt. Người đọc sẽ nhớ mãi hình ảnh vị vua Hàm Nghi trong truyện “Bạc màu áo ngự”, trong những tháng ngày bị lưu đày viễn xứ, lòng lúc nào cũng đau đáu vọng cố hương. Đó là hình ảnh người con gái quả cảm nằm chết trên thảm hoa sứ bạt ngàn bên chân thành nội trong “Tôn nữ còn buồn”. Hay câu nói trước lúc hấp hối của Tư khiến người đọc thắt lòng, “Nhớ nói với mạ là tau vẫn khỏe nghe chưa! Mai mốt hòa bình tau sẽ về” trong “Phía dưới cầu vồng”.

Đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng, đó là hình ảnh Nhan giật lấy lá cờ lao đi như tên bắn giữa làn đạn quân thù bắn ra như mưa trong “Khi đàn sếu bay qua”. “Trong ánh sáng của lửa đạn, lá cờ cắm ngay thẳng trên lô cốt trung tâm chỉ huy… Nhan nằm úp, một tay bị bắn nát, tay còn lại ôm cán cờ vào nách, chặt cứng như chôn cờ trên đỉnh lô cốt. Lá cờ ấy như tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội từ các mũi, hướng tiến công ồ ạt xông lên”. Người đọc sẽ nhiều lần rơi nước mắt trước những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến giữ gìn bờ cõi. Đau lòng nhưng không hề bi lụy mà chỉ thấy vô hạn của sự biết ơn. Máu và nước mắt của những người anh hùng áo vải đã rơi xuống thấm vào đất để những chồi xanh nảy nở, để sự sống được tiếp nối đời đời.

Người đọc sẽ trôi trong sự ám ảnh, dằn vặt của Job, một phóng viên chiến trường khi tận mắt chứng kiến cuộc thảm sát 504 người dân tay không tấc sắt, chỉ có người già, phụ nữ, trẻ em ở Mỹ Sơn trong truyện ngắn “Từ bờ bên kia”. Một ngôi làng xanh rì màu lúa, màu cây bỗng hóa thành đất chết trước sự thảm sát tàn bạo và khát máu của quân thù. Những cánh đồng nhuốm máu, những ngôi nhà đỏ rực khói lửa chết chóc không chỉ ám ảnh Job mà ám ảnh cả người đọc.

Bằng giọng văn đẹp đẽ y như vạt nắng lung linh điểm đôi bờ sông Hương, “Bạc màu áo ngự” khiến người đọc phải đọc thật chậm để những câu chữ ngấm thật sâu vào lòng, để trái tim tự do rung lên những cung bậc cảm xúc đầy tinh tế mà cũng vô vàn rực rỡ như những ảo ảnh mờ xa.

Bài, ảnh: Lê Hà

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …