Tôi rất vui mừng và sung sướng khi được đọc tập tản văn Nếu một mai con lớn (NXN Thuận Hóa-2023) của Lê Quý Hoàng, một người con xứ Huế viết về tình yêu và tâm nguyện của người cha gửi đến những người con thương yêu bằng tất cả nỗi lòng và kinh nghiệm sống cao đẹp do được trải nghiệm qua hành trình sống và hành trình mơ tưởng của chính mình.
Mười tám tản văn là mười tám cung bậc cảm xúc và tâm trạng mà người cha dành cho con mang ý nghĩa nhân văn – đạo đức – thẩm mỹ cao đẹp. Tất cả như những đoản thi mang chất thơ êm đẹp như nhung và trong veo như cổ tích, nhiều ý tưởng ngầm ẩn hiện ra bên sau, bên sâu, bên xa của câu chữ. Tất cả toát lên chất triết mỹ về bài học làm người cao quý mà người cha tâm nguyện truyền lại cho những người con của mình, để các con lớn lên sẽ trở thành những nhân cách công dân toàn diện và vững chắc, có ích cho xã hội và nhân quần từ những bài học làm người lúc “nhân chi sơ/ tính bổn thiện”.
Ý nghĩa, niềm vui của cuộc sống khi có con, được nuôi dưỡng, dạy dỗ và chứng kiến sự trưởng thành của con qua từng ngày, từng tháng, từng năm là niềm hạnh phúc lặng thầm nhưng lớn lao của cha mẹ. Hạnh phúc là những gì rất gần gũi, bình dị quanh ta nhưng phải có ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, có văn hóa và phải gắn với đạo đức, nhân sinh, gắn với tình thương và trách nhiệm thì mới tồn tại, tiếp nối và phát huy. Toàn bộ mười tám tản văn trong Nếu một mai con lớn của Lê Quý Hoàng đều được thể hiện từ cái nền đạo đức – nhân văn – triết mỹ ấy, nên hấp dẫn người đọc, tác động đến tình cảm và suy nghĩ của họ, để họ nhận ra những quan hệ bản chất và quan hệ tương tác mà con người phải trải qua mới trở thành những kinh nghiệm quan hệ sống tốt đẹp quanh đời.
Nghĩ về con, nghĩ về cách nuôi dạy con để chúng trở thành những công dân có ích cho tương lai, Lê Quý Hoàng đã đi từ chung đến riêng và ngược lại, đi từ mình với con và từ mình với đấng sinh thành để thấy những quan hệ nhân sinh là có quy luật và diễn ra theo sự phát triển của những hằng số tâm lý – đạo đức – xã hội – văn hóa, được cộng đồng thừa nhận, ứng dụng. Từ đó, chúng quy định cách ứng xử, sự lựa chọn hành vi đạo đức của từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể, theo phán đoán đúng, kịp thời và dứt khoát để xác nhận nhân cách, nhân vị của từng cá nhân. Nhờ cái nhìn khách quan, biện chứng đó mà Lê Quý Hoàng đã thực sự làm chủ trong từng vấn đề, sự kiện và hoàn cảnh để tâm sự chân thành và nhân ái với con bằng diễn ngôn phân tích, bình luận thấu lý đạt tình, có luận điểm, luận chứng và luận cứ cụ thể để các con hiểu ra lẽ phải và chân lý, biết trừ ác, hướng thiện.
Nhiều tản văn, như: Nhìn các con lớn lên từng ngày, Ngày con vào lớp 1, Những người con gặp trong đời, Phải học cách thích nghi với cuộc sống, Muốn hưởng thụ thì phải lao động, Đừng sống một cuộc sống không thuộc về mình, Hãy tự tin đứng dậy khi vấp ngã… đều có tính luận đề cụ thể, được bình luận, phân tích, liên hệ, so sánh ngắn gọn, sinh động phù hợp với tầm đón nhận của lứa tuổi thiếu nhi. Và vì vậy, gợi được những suy nghĩ, so sánh, đối thoại đồng hiểu biết/ đồng sáng tạo cho các con một cách hiệu quả qua từng câu chuyện và từng mối quan hệ trực quan và ngầm ẩn. Tản văn của Lê Quý Hoàng bước đầu tạo được giọng điệu riêng, nghiêng về tự thuật, tự tình và giãi bày theo trục tuyến tính nên dễ tạo hiệu ứng tiếp nhận với đối tượng đọc là thiếu nhi.
Tản văn là thể văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận hoặc miêu tả, giãi bày, khắc họa nhân vật mang tính chất chấm phá, linh hoạt, nhưng phải hấp dẫn, bất ngờ về ý nghĩa triết lý và xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả với đối tượng một cách có chủ điểm. Lê Quý Hoàng nắm được đặc trưng này của thể loại nên đã tạo được tính chỉnh thể cho từng tản văn. Bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra điều này khi trực tiếp đọc từng nội dung câu chuyện…
Hồ Thế Hà