Những tín hiệu mừng phát triển di sản văn hóa Huế

Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng là bảo tàng sáng giá phát triển từ di sản văn hóa Huế. Ảnh: MC

Riêng trong phạm vi hoạt động hạn hẹp của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế, tôi biết các hội viên đã cho ra đời bốn bảo tàng sáng giá phát triển từ di sản văn hóa Huế/Việt Nam. Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của NNC Trần Đình Sơn, Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng của bà Lê Cẩm Tế, Bảo tàng gốm cổ sông Hương của TS. Thái Kim Lan, Bảo tàng Mỹ thuật tổng hợp của Cecile Lê Phạm. Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật tổng hợp tọa lạc trên đường Hàm Nghi đã đúc tượng chân dung vua Hàm Nghi để thờ.

Về vua Hàm Nghi, nhiều hoạt động trong và ngoài nước rất ý nghĩa. Bắt đầu bằng sự kiện bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi được nhà đấu giá Millon đưa ra bán đấu giá. Bức tranh được bán đấu giá lôi cuốn nhiều học giả nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời và tài năng sáng tạo nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày. Một nghiên cứu sinh hoàn thành văn bằng Tiến sĩ ở Đại học Sorbonne danh giá nhất ở Pháp, trình luận án xong tác giả Amandine Dabat chọn lọc, bổ sung hình ảnh, tư liệu cho ra đời tác phẩm Hàm Nghi Hoàng đế lưu đày, nghệ sĩ ở Alger (Hàm Nghi, Empereur en exil, artiste à Alger), dày trên 500 trang, với hơn 60 tấm tranh, cung cấp trên 5000 tư liệu tham khảo.

Cuốn sách giúp cho giới nghiên cứu nghệ thuật khẳng định vua Hàm Nghi (Biệt hiệu Tử Xuân) là một người yêu nước, một họa sĩ tài năng thực thụ. Tài năng đó một lần nữa được thể hiện trong cuộc triển lãm Hàm Nghi, ông Hoàng nước Nam (1871-1944), nghệ thuật chốn lưu đày (Hàm Nghi, Prince d’Annam (1871-1944, L’art en exil) với trên 150 ảnh tượng nghệ thuật và vật phẩm riêng của vua Hàm Nghi diễn ra ở thành phố Nice từ tháng 3 đến tháng 8 vừa qua. Đặc biệt, Bác sĩ Gérard Chapuis – người đấu giá được bức tranh Chiều tà đã bỏ nhiều công sức sưu tập thông tin trên báo chí ở Algérie và Pháp từ khi vua Hàm Nghi mới đặt chân lên đất Alger cho đến ngày nay. Không những về cuộc đời của vua Hàm Nghi mà còn chuyện các con, chuyện tình, chuyện sáng tác nghệ thuật. Chapuis đã hoàn thành cuốn sách Hàm Nghi, Hồi ức con đường El-Biar. Sách sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho ra đời trước kỷ niệm 79 năm ngày vua Hàm Nghi qua đời (1944-2023).

Ngày 3/8/2021, nhân kỷ niệm 150 năm sinh vua Hàm Nghi (1871-2021), Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế tổ chức Tọa đàm Hàm Nghi, Nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger, không ngờ trong thời gian ấy bên Pháp người ta đã đặt tên công chúa Việt Nam cho đại lộ chạy qua lăng mộ vua Hàm Nghi và lâu đài De Losse, vốn của công chúa Như Mai trước đây.

Về ẩm thực có công trình Tiếp cận văn hóa ẩm thực Huế (Nxb Thuận Hóa), sách dày 840 trang, khổ 16×24, với 86 bài viết của trên 40 tác giả trong và ngoài nước bàn về văn hóa ẩm thực Huế, phong vị ẩm thực Huế, ẩm thực Cung đình, ẩm thực chay, ẩm thực Huế với phát triển du lịch. Đây là một “tập đại thành” chưa từng có về ẩm thực do Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam dành cho Huế. Tập đại thành này giúp cho các doanh nghiệp yên tâm phát triển ẩm thực Huế.

Tín hiệu vui nhất là nhiều nơi ở Nam Bộ dân tự nguyện lập đền thờ, đúc tượng thờ các vua Quang Trung, vua Gia Long để nhớ ơn những người đã có công với nước. Thờ các vị có công với nước vừa để khẳng định các vị là người chủ đất nước này, vừa ngăn chặn những tín ngưỡng ngoại nhập tha hóa tâm hồn Việt. Tôi rất thú vị được đồng hành với ông Lê Thành Long – chủ tự đền thờ vua Gia Long ở Phú Quốc.

Gần ba năm ra vào Huế ông đã được nhà điêu khắc Hà Văn Sáu chế tác cho ông một cốt tượng vua Gia Long ngồi trên ngai vàng và được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thuận đúc thành tượng đồng cao 2,7m, nặng gần 5 tấn. Tượng đang còn trong giai đoạn làm nguội mà đã thấy quá đẹp rồi. Nhà điêu khắc và nghệ nhân đúc đồng làm việc với nhau rất ăn ý nên bức tượng có những chi tiết khá tinh tế đều được hiện rõ. Bức tượng vua Gia Long ra đời gợi cho tôi 3 điều vui: Dân chúng đi đầu việc vinh danh vua Gia Long, Nghệ sĩ điêu khắc Huế có thể giúp các nhân vật lịch sử được “tái sinh”, nghệ nhân đúc đồng ở Huế có thể phả cái hồn người vào các hình nộm bằng đất sét, thạch cao.

Lê Thành Long ở Phú Quốc đi đầu đúc tượng vua Gia Long. Tôi nghĩ một ngày không xa nữa sẽ có người nối gót đúc tượng thờ vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương xưa, đúc tượng anh em Nguyễn Nhạc (vua Thái Đức) và Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) thờ ở Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh, đúc tượng Ngọc Hân Công chúa-Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung, tác giả Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên.

Những tín hiệu mừng. Đón Xuân Quý Mão (2023).

Nguyễn Đắc Xuân

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …