Những người vợ liệt sĩ thời bình

Vợ liệt sĩ Trương Anh Quốc luôn mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con

Hàng đêm, theo thói quen, 3 mẹ con chị Hoàng Thị Hạnh Phúc (vợ liệt sĩ Trần Minh Hải, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế) lại lôi chiếc cặp của anh Hải ra và lật từng tấm ảnh, mảnh bằng của anh để nhớ về những ngày tháng ngôi nhà nho nhỏ này còn đủ 4 người. Chị bảo, để cho các con noi gương và có thêm động lực phấn đấu trên đường đời vì đã có một người cha như thế.

Kể từ ngày được Bộ Quốc phòng tuyển dụng, phong quân hàm thượng úy chuyên nghiệp và bố trí làm việc tại Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng ngày chị Phúc đều có mặt tại đơn vị trước 7 giờ để giao ban và bắt đầu công việc ngày mới sau khi lo bữa sáng và đưa các con đến trường. Công việc của chị Phúc là giải quyết chế độ cho người có công, thân nhân liệt sĩ, khác hẳn với nghề kế toán chị từng làm trước đây. “Giờ em phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, cứng cỏi như chồng để làm trụ cột nuôi hai con khôn lớn và thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng”, chị Phúc chia sẻ.

Sẩm tối, đường rẽ vào nhà chị Ngô Thị Thanh Nhàn (vợ liệt sĩ đại úy Trương Anh Quốc) sâu trong con hẻm đường số 79 Lê Ngô Cát, TP. Huế. Chị Nhàn đang bày cho hai con thơ xếp chữ (đứa lớn hơn 5 tuổi, đứa bé gần 4 tuổi). Đại úy Trương Anh Quốc hy sinh hơn một năm nay, nhưng anh vẫn như còn đâu đây… Căn nhà cấp 4 anh Quốc xây dựng dang dở rồi ra đi mãi mãi nay chị mới có điều kiện hoàn thiện ngôi nhà để có chỗ thờ tự anh cũng như có nơi cho 2 con học.

Khoản tiền hỗ trợ của đơn vị và mọi người ủng hộ giúp đỡ mấy mẹ con thì em để dành cho hai con, coi như là “tiết kiệm” của chồng dành cho các con. Chúng em đến với nhau cũng bởi cảm mến tấm lòng, cả hai bên nội ngoại đều nghèo khó nên hai vợ chồng phải tự lập… nay em được các cấp quan tâm cho chuyển công tác về dạy ở Trường THPT Hai Bà Trưng gần nhà để có thời gian chăm sóc 2 cháu, chị Nhàn chia sẻ.

Cũng như chị Nhàn, chị Phúc, thượng úy chuyên nghiệp Trương Thị Mỹ Ni, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Bình, ngụ tổ dân phố 7, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, nay công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà; thượng úy chuyên nghiệp Phùng Hoàng Hữu Trang, vợ liệt sĩ thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ngụ tổ dân phố 5, phường An Cựu, thành phố Huế, nay công tác Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là những người vợ các liệt sĩ hy sinh trên đường cứu hộ, cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 khi quyết định gắn bó cuộc đời với người lính.

Thượng tá Lê Văn Nhung, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, đơn vị thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ, hội viên hội phụ nữ của các cơ quan, đơn vị đến thăm, động viên, chia sẻ với thân nhân các các liệt sĩ hy sinh khi cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Các cháu, con của 4 liệt sĩ quê tại Thừa Thiên Huế năm học vừa qua đều đạt loại giỏi.

Bài, ảnh: Trần Tình

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …