Những người chinh phục đất cằn

Thượng úy, QNCN Lê Văn Quang chăm sóc vườn rau

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Ngô Sỹ Tình, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 92/QK4 cho biết: Đơn vị đóng quân trên địa bàn đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường; đất đai cằn cỗi, rất khó cho trồng trọt. Công tác tăng gia của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo chỉ tiêu tăng gia, nhất là việc đủ rau xanh phục vụ đời sống bộ đội và làm mô hình để Nhân dân học tập, đơn vị đã có nhiều chủ trương, biện pháp trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác tăng gia.

Với phương châm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, những năm gần đây đơn vị đã xây dựng nên những vườn rau tươi tốt, không những đã bảo đảm đủ chỉ tiêu phục vụ đời sống bộ đội, mà sản phẩm tăng gia còn ủng hộ Nhân dân trên địa bàn khi gặp thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ các chốt kiểm dịch dọc tuyến biên giới; giúp đỡ bộ đội Lào và Nhân dân miền Nam vùng tâm dịch COVID-19, bằng nhiều sản phẩm do chính bàn tay bộ đội làm ra.

Đang cặm cụi chăm sóc và cẩn thận treo những quả bí xanh trên giàn, Thượng úy QNCN Lê Văn Quang ngừng tay tâm sự: Giàn bí của cơ quan đã trồng được hơn hai tháng. Năm nay bí phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Đây là kết quả của quá trình cải tạo đất cao lanh, hoang hóa thành đất tốt, chăm sóc và ngừa sâu bệnh để cho cây phát triển. Trồng bí, khó khăn nhất là giai đoạn đầu, sau khi được ươm trong bầu, đủ sức sinh trưởng mới đưa ra trồng, cây còn non phải che kín không cho sâu bệnh phá hoại; bảo đảm ánh sáng và độ ẩm, thường xuyên chăm sóc để cây phát triển tốt. Giàn bí này có diện tích khoảng 50m2, dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch hơn một tấn bí xanh.

Gần khu tăng gia ngoài trời, là khu tăng gia có mái che. Đây là khu vực tăng gia quanh năm xanh tốt và phát huy hiệu quả rất cao. Mô hình này vừa phục vụ nhu cầu trong đơn vị và là mô hình để nhân rộng cho Nhân dân học tập. Nhìn những luống rau thẳng tắp, xanh mơn mởn, với đủ các loại như: Su hào, bắp cải, xà lách, súp lơ, rau cải… Đại úy QNCN Lưu Khánh Thành tâm sự: Việc thay đất cằn cỗi bằng đất bùn, lấy từ các ao hồ, khe suối đưa về phơi khô, đập nhỏ thành đất tơi xốp để trồng các loại rau tốn nhiều công sức là vậy, nhưng chỉ sau mấy cơn mưa thì lượng dinh dưỡng trong đất cũng bị trôi đi cả, đơn vị đã đầu tư làm mái che, để hạn chế sự xói mòn khi trời mưa. Cùng với đó cán bộ, nhân viên trong đơn vị đã chú trọng công tác cải tạo đất, đầu tư nguồn phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, để vừa an toàn cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường.

Bằng chính tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của những người lính nơi vùng cao biên giới, không chịu khuất phục trước những khó khăn, thách thức, mỗi cán bộ, nhân viên của Đoàn KT-QP 92 đã thực sự quen thuộc với tên gọi giản dị “Những người chinh phục đất cằn”. Các anh đã mang về những mùa màng bội thu, là điểm sáng trong công tác tăng gia, nâng cao đời sống bộ đội và là một mô hình thiết thực để nhân rộng trong Nhân dân, góp phần quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Bài, ảnh: Xuân Bính

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …