Những điều đẹp đẽ

1. Nhớ, những ngày mẹ tôi điều trị nội trú trong bệnh viện, buổi sáng tôi đưa mẹ đến phòng vật lý trị liệu, ngồi chờ mở cửa. Trên những chiếc ghế dài đặt ngoài hành lang, nhiều người bệnh (phần lớn là người già) cũng đang chờ.

Câu chuyện thường xoay quanh việc con cái chăm sóc cha mẹ. Một bệnh nhân lớn tuổi: “Hầu như gia đình nào cũng có tâm lý đẻ được con trai mới yên tâm. Có nhà vì lý do đó nên cố đẻ mãi khi nào ra con trai thì thôi. Vậy nhưng các ông, các bà xem nì, thực tế khi cha mẹ đau ốm, hầu như chỉ có con gái tận tình, ngày đêm kề cận chăm sóc”. Những người khác: “Con trai ruột rà máu mủ còn chưa chăm cha mẹ, nên đừng bao giờ trông gì ở con dâu”. Lúc đó, nữ bệnh nhân tuổi 50 tuổi (ít tuổi nhất trong những người nằm viện) góp chuyện: “Cũng tùy người thôi các bác ạ. Như cháu này, cháu thương mẹ chồng lắm. Hồi mẹ chồng cháu bệnh hiểm nghèo, nằm viện thời gian dài, phần lớn do cháu cận kề chăm sóc. Thời gian cuối trước khi qua đời, bà vệ sinh tại giường, cháu cũng chẳng nề hà, mỗi ngày lo luôn việc thay bỉm tã, lau rửa cho mẹ tinh tươm sạch sẽ”. Chị nói, bởi vì mẹ chồng đã hết lòng thương yêu con, cháu, không phân biệt con dâu hay con gái. Mẹ chồng chị là nông dân, tuy nghèo về vật chất, nhưng rất giàu tình cảm. Nhà mẹ cách nhà vợ chồng chị tầm nửa cây số. Cứ gom góp được mấy quả trứng do gà nhà đẻ, hoặc rau trái trong vườn, thứ gì tươi ngon nhất, bà lọ mọ đi bộ, mang sang cho con, cháu. “Có hôm trời mưa to, đường trơn, người già như mẹ đi lại rất vất vả. Nhưng hôm đó biết con dâu bị cảm, sốt, mẹ mặc áo mưa lần từng bước chậm chạp, mang trứng gà và mấy thứ rau giải cảm sang, tự tay chế biến mới yên tâm. Cháu thương mãi gương mặt lo lắng của mẹ lúc đó, cho đến tận bây giờ, mẹ cháu mất 10 năm rồi, vẫn thương”…

2. Mỗi lần về quê, thường là tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Đợt này mẹ nằm viện, nên tôi kiêm luôn việc chợ búa. Tình cờ phát hiện có hàng cơm rượu, nhớ món cơm rượu ngọt, nồng ngày xưa ba mẹ ủ, tôi ghé vào mua mấy bịch mang về. Biết chuyện, mẹ bảo: “Chợ có 2 hàng cơm rượu. Lần sau nếu con có mua, nhớ đến hàng của người phụ nữ trung niên bị cụt một tay, mua giúp chị ấy. Chị ấy kém may đã không được vẹn nguyên về thân thể, làm mẹ đơn thân, về xóm mình ở tầm 4-5 năm trước. Cách đây 2 năm, tai nạn giao thông lại cướp đi đứa con trai duy nhất, khiến chị ấy suy sụp trong thời gian khá dài. May mà bà con trong xóm quan tâm, động viên, nên bây giờ chị ấy mới vực lại tinh thần”.

Hàng cơm rượu của chị ấy ở trong góc, đơn sơ chiếc bàn cũ và mấy chiếc ghế nhỏ. Nhiều khách hàng đang ngồi nhâm nhi ly cơm rượu; một số khác mua mang về. Tôi cũng kiếm chiếc ghế, ngồi xuống. Không hẳn vì cơm rượu ở đây ngon hơn hàng kia, mà hẳn rằng, tình yêu thương đã đưa khách hàng đến với chị. Những yêu thương đó chính là men nồng ngọt trong cuộc đời.

Cũng như trong buổi sáng hôm nay, cô bạn đồng nghiệp của tôi vóc người nhỏ nhắn, nhưng đã ráng sức bế được người phụ nữ khuyết tật lên những bậc tam cấp chùa Thiên Mụ, để chị ấy có thể ngắm nhìn và chụp được bức hình kỷ niệm. Bạn: “Hai phụ nữ khuyết tật ở Đà Nẵng ra. Một người còn nhúc nhắc đi được, người kia đành chịu nếu không có ai hỗ trợ, bế lên. Nghe các chị bảo, đã từ lâu ước mơ được đến Huế và được nhìn ngắm chùa Thiên Mụ. Đây là lần đầu tiên các chị thực hiện ước mơ (và không biết đến bao giờ mới có thêm lần nữa). Các chị đã nhờ một số người xung quanh, nhưng chưa nhận được sự giúp đỡ. Để ước mơ của các chị được trọn vẹn, nên em cố gắng, dù mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thở không ra hơi”. Trong bức hình kỷ niệm dưới bóng Thiên Mụ không có bạn tôi, nhưng có lẽ, trong trái tim của du khách đặc biệt ấy, sẽ giữ mãi ký ức đẹp đẽ – đó là tấm lòng, niềm cảm thông, tình yêu thương của bạn.

Cuộc sống như dòng sông trôi chảy. Ngày qua đi ngày mới lại đến. Nhưng những điều đẹp đẽ như phù sa, để “cây cối” yêu thương có thể mãi mãi xanh tươi trong cuộc đời.

Quỳnh Anh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …