Những con giống của nhóm 4 nghệ sĩ đã cuốn hút công chúng yêu nghệ thuật Huế
Sau hành trình dài đi qua Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An, triển lãm ”Con giống” của bộ tứ nghệ sĩ Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung, Lê Thiết Cương dừng chân tại không gian Lan Viên Cố Tích (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế) để giới thiệu đến với công chúng yêu nghệ thuật đất Cố đô.
Bằng nhiều chất liệu khác nhau, như gốm, sắt, đồng hay những thớ gỗ trôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về tới hạ du đã được các nghệ sĩ tạo hình, điêu khắc con giống vô cùng sáng tạo, độc đáo khiến người xem bất ngờ. Đó là những con trâu, bò, heo, gà, chó… vô cùng đáng yêu, ngộ nghĩnh, thoát ra khỏi hình tượng thật để hòa mình với đời sống đương đại.
Tùy theo mỗi cách nhìn và sự sáng tạo riêng của mỗi nghệ sĩ, mỗi tác phẩm kể cho người xem một câu chuyện và xa hơn họ kể về làng nghề, bảo tồn và hành trình sống được giữa thời cuộc hiện đại.
“Trâu tái sinh”, điêu khắc trên gỗ của Lê Ngọc Thuận
Ở đó, sẽ thấy rõ một Lê Minh Trí, nghệ sĩ trẻ nhất nhóm (30 tuổi) với những “lộ diện” các tác phẩm trâu, bò, lợn, gà và nhất là chó, con vật mà anh yêu thích. Tất cả các sáng tác của Trí đều bằng gỗ phủ sơn rồi vẽ thêm các họa tiết, các miếng màu, tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, thành một kiểu điêu khắc pha hội họa, điêu khắc màu.
Còn với Lê Ngọc Thuận, những con giống điêu khắc gỗ voi, rồng, trâu, gà… mang dáng vẻ xuyên suốt, hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu vùng Tây Giang, Quảng Nam. Thấp thoáng trong đó, là những chú ngựa của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung mang dấu ấn làng gốm hàng trăm năm tuổi nổi tiếng Phù Lãng, Bắc Ninh. Nhung đã khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy. Độ đanh của chất sành, độ no của hình khối, sự cân bằng về tỉ lệ tác phẩm ngựa lần này tạo ấn tượng nhất định với người tận kiến.
Riêng nghệ sĩ Lê Thiết Cương, anh không chỉ là một trong những nghệ sĩ tham gian triển lãm, mà còn đóng vai trò rất quan trọng đó là giám tuyển. Ở người nghệ sĩ này, người xem có thể thấy được các con giống bằng chất liệu đồng, sắt được sáng tác với quan niệm nghệ thuật tối giản, dù cho đó là hội họa hay điêu khắc.
Chia sẻ với rất nhiều người yêu nghệ thuật Huế, người nghệ sĩ với giọng nói đậm đặc Hội An Lê Ngọc Thuận nói rằng, dưới góc nhìn nghệ thuật anh đã sử dụng dòng gỗ tái chế và các thanh củi gỗ được anh vớt lên từ dòng sông Thu Bồn sau mỗi mùa mưa lũ.
Mỗi tác phẩm khi được “tái sinh” anh ấn trên đó thông điệp không chỉ câu chuyện bảo vệ, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý mà còn khôi phục, sử dụng tài nguyên, văn hóa trong sản phẩm, đưa cái hiện đại vào truyền thống, biến nó trở thành tác phẩm có giá trị, được cộng đồng tiếp cận, thừa nhận.
“Tôi đã đi đi về về giữa Hội An và vùng cao Nam Giang – nơi có đồng bào Cơ Tu sinh sống. Tôi từng lượm những thớ củi gỗ trôi từ vùng đó về hạ du vào những mùa mưa lũ. Tôi biết người dân Cơ Tu có nền điêu khắc lâu đời, nền văn hóa đặc sắc. Và tôi biết, những dòng củi ấy, khi trôi về tới Hội An sẽ giao thoa văn hóa nơi đây và tôi đã tạo ra những tác phẩm ấy”, nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận chia sẻ.
Để có một triển lãm “con giống” thú vị, độc đáo đi qua nhiều nơi và dừng chân tại Huế là hành trình không dễ dàng. Nghệ sĩ Lê Thiết Cương bảo rằng, phải chuẩn bị 2 năm và sự đồng điệu là cơ duyên không thể không kể đến. Cơ duyên đó theo nghệ sĩ Lê Thiết Cương ngoài sự tìm thấy nhau giữa 4 nghệ sĩ còn là sự bắt nhịp, lời mời của những người yêu nghệ thuật Huế, trong đó có chủ nhân của Lan Viên Cố Tích – GS. TS. Thái Kim Lan.
Và nhờ thế, nhóm nghệ sĩ mới có dịp mang câu chuyện con giống đến Huế để tiếp tục câu chuyện “đưa truyền thống vào hiện đại”. Người họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam nói rằng, con trâu, con mèo ở ngoài đời chỉ là điểm khởi hành để từ đó người nghệ sĩ làm cảm hứng cho mỗi tác phẩm. Vì thế, con giống phải là “một – con – khác”.
Tiếp nối dòng chảy
Nghệ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, hội họa hiện đại Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi đề tài con giống. Cụ thể, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm coi con giống là một đề tài lớn, bên cạnh điệu múa cổ và Thúy Kiều; họa sĩ Nguyễn Sáng có nhiều tác phẩm về mèo; họa sĩ Lê Trí Dũng chuyên vẽ ngựa; nghệ sĩ gốm Lê Ngọc Hân và nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan cũng có một chùm tác phẩm về con ngựa với gốm Bát Tràng và Hương Canh; nghệ sĩ Đinh Công Đạt thích làm côn trùng, con sâu, cái kiến… Triển lãm lần này của ông và các đồng nghiệp được xem như sự “tiếp nối dòng chảy” ấy.
Bài, ảnh: NHẬT MINH