Người tổ trưởng phải theo sát từng hội viên
Vốn được xem là khó khăn và cũng là rào cản lớn nhất để người dân, nhất là các đối tượng chính sách trong phát triển kinh tế. Tâm lý ngại thay đổi, không tự tin vào bản thân, sợ vay vốn, sợ không thể trả nợ khiến cho các đối tượng chính sách quẩn quanh trong câu chuyện “cái khó bó cái khôn”. Hoàn cảnh của bà Trần Thị Đơn, thôn Diên Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới phần nào chứng minh được điều này. Bởi trước đó, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, không có vốn để sản xuất nhưng khi nhắc đến vay vốn làm ăn thì cả 2 vợ chồng bà đều lần lữa.
Đến năm 2016, với sự động viên, thuyết phục và giới thiệu những “tấm gương” vươn lên từ vốn vay của tổ TK&VV thôn Diên Mai, bà mới mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Thấy được lợi ích của việc vay vốn ưu đãi, bà tiếp tục vay vốn trồng rừng, mua thêm con giống. Từ một hộ nghèo đến nay, bà trở thành 1 trong những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của xã, huyện với tổng đàn trâu, bò 19 con và 2ha rừng. Nhờ sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, gia đình bà đã xây dựng được căn nhà khang trang với kinh phí hơn 240 triệu đồng, thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
Theo bà Đơn, nếu không có sự động viên, tiếp sức cũng như hướng dẫn kịp thời từ tổ và nguồn vốn vay của ngân hàng thì tôi không được như ngày hôm nay…
Bà Hoàng Thị Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Tà Roi, xã A Ngo (A Lưới) bộc bạch: Để tháo gỡ nút thắt tâm lý của các hộ, bản thân tổ trưởng phải là người gương mẫu trong phát triển kinh tế cũng như sử dụng vốn vay phải hiệu quả; từ đó, mới có thể hướng dẫn, định hướng hỗ trợ hội viên trong tận dụng lợi thế của các nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp đó sẽ tập trung tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi tới bà con và các thành viên trong tổ. Từ hiểu rõ, hội viên sẽ làm đúng.
Luôn đặt mình trong tâm thế đồng hành, đồng cảm cùng các hộ vay cũng chính là “bí quyết” của ông Phạm Hồng Tư, Tổ trưởng Tổ TK&VV Hội Cựu chiến binh phường Hương Văn (Hương Trà) trong 20 năm gắn bó với hoạt động TDCS. Là một cựu chiến binh và cũng là một người nông dân, với kinh nghiệm trong tăng gia sản xuất, ông đã nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển những mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Ông chính là cầu nối giúp cho hơn 320 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tổ vay vốn TDCS để phát triển kinh tế.
“Tôi động viên các thành viên trong tổ thực hành tiết kiệm, dành dụm trong chi tiêu để gửi tiền hàng tháng thông qua tổ TK&VV, nhằm tạo lập nguồn vốn sử dụng trong tương lai; trong đó có việc trả lãi tiền vay, nợ gốc cho NHCSXH. Đây là một giải pháp giúp hộ vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và trách nhiệm với nguồn vốn TDCS, giúp hộ vay ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Tư nói.
Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, trong 20 năm qua, tổ TK&VV là mắt xích quan trọng nhất trong kênh dẫn vốn của NHCSXH. Các tổ chính là cầu nối giữa người vay và ngân hàng, là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để ngân hàng đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.340 tổ TK&VV tại tất cả các thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh, bình quân 1 tổ có 39 hộ vay, với dư nợ bình quân trên 1,5 tỷ đồng. Chất lượng các tổ cũng được nâng cao, tỷ lệ tổ hoạt động tốt chiếm trên 96,5%, không có tổ trung bình, yếu kém.
Bài, ảnh: Tuấn Anh