Trung thu rộn rã. Ảnh: MC
Thời đó, mỗi mùa Trung thu về, cứ khi trời vừa chập choạng tối, tôi và con bé Nậm, bé Lạng, thằng cu Tem và các anh chị lớn hơn trong làng lại ăn vội chén cơm rồi í ới gọi nhau chạy thật nhanh về đình làng – nơi lũ trẻ chúng tôi gọi là “căn cứ” để cùng nhau tập múa lân, tập đánh trống, tập làm ông Địa, quạt lấy quạt để cho nhau rồi lại cười ha hả đầy thích thú. Gọi là đầu lân nhưng thật ra chỉ là cái nón mượn tạm của bà Năm xóm trên, cột thêm miếng vải từ cái áo rách của thằng cu Tem để làm đuôi. Riêng ông Địa sẽ chọn một trong số những cái áo to nhất, rộng nhất của mấy đứa con trai cho đứa nhỏ nhất mặc vào, rồi chúng nó lại cởi trần, lấy tất cả áo còn lại nhét vào cho bụng ông Địa phình to ra.
Rồi ngày đi múa lân thực sự cũng đến, lũ trẻ chúng tôi tầm mười ba, mười bốn đứa, đứa cầm vài ba cây đuốc được làm thừ thân cây tre lồ ô, đổ dầu hỏa vào bên trong, thêm một sợi vải làm tim đèn, đứa xách đầu lân, đứa ôm trống, mỗi đứa một việc theo sau là đoàn trẻ rồng rắn nói cười rộn rã, cùng nhau đi múa lân từ làng trên đến xóm dưới, làm náo loạn cả một vùng quê. Ngày ấy, phần thưởng của gia đình dành cho đội lân cũng không nhiều, có khi chỉ là gói bánh, ít kẹo hoặc một, hai nghìn đồng… nhưng bọn trẻ chúng tôi rất vui.
Những đứa trẻ quê nghèo, lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc và bao dung của gia đình và làng xóm như chúng tôi ngoài việc đến trường rồi về nhà phụ giúp cha mẹ nấu cơm, hái rau, mót củi… còn nghĩ ra vô vàn những thú vui khác. Tôi vẫn nhớ nhất chuyện kéo nhau đi chặt tre, tự làm lồng đèn trung thu năm cánh, đứa khỏe nhất có nhiệm vụ chặt những nhánh tre thẳng, to vừa, những đứa còn lại chia nhau vót tre, đan khung, cột dây, cắt giấy… Là những buổi trưa không ngủ, bên hiên nhà rộn ràng, tôi cùng đám bạn trong xóm làm đèn. Cầm trên tay thành phẩm của mình, tuy không được lung linh bằng đèn ngoài tiệm nhưng mỗi đứa chúng tôi đều tự hài lòng với thành quả của mình vì đó là cả niềm vui ngọt ngào, ướt đẫm cả một vùng trời ký ức. Cuối cùng, những chiếc lồng đèn handmade ấy cũng được rước đi chơi trong đêm Trung thu, khoe những ánh sáng lấp lánh của ánh nến. Ngày ấy, đường làng tôi chưa có đèn điện như bây giờ, nên mặt trăng đêm rằm Trung thu như hòa cùng với ánh sáng lung linh từ những chiếc lồng đèn đầy mờ ảo.
Đến bây giờ, vẫn là Rằm tháng Tám với ánh trăng sáng tròn lung linh nhưng Tết Trung thu hôm nay đã có nhiều đổi khác. Các loại đèn giấy ngày xưa ở thời chúng tôi không còn nhiều, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, có thể chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui tai. Và bây giờ, dù ở vùng thôn quê hay thành thị vẫn có đầy đủ những chiếc đầu lân nhiều sắc màu, lũ trẻ cũng không còn phải tự làm đầu lân, tự cắt giấy dán hồ như chúng tôi ngày xưa nữa. Tiếng trống lân hôm nay lại giục giã gieo vào lòng tôi những thân thương, quyện hòa cùng tiếng nói cười xôn xao cả một khoảng trời quê bé nhỏ gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi.
Phương Nhi