Biệt thự được xây dựng thời Pháp thuộc ở số 26 Lê Lợi. Ảnh: MC
Được biết, UBND TP. Huế đang tính toán các phương án di chuyển tòa nhà 26 Lê Lợi đến một trong hai vị trí đối diện, phía bên kia đường Phạm Hồng Thái, hoặc đường Lê Lợi. Theo tôi, nên tháo dỡ để xây mới. Đội ngũ kiến trúc sư (KTS) bây giờ thừa sức làm làm mới như cũ những công trình như thế này. Dĩ nhiên là kinh phí sẽ lớn hơn so với xây nhà hộp với kỹ thuật hiện đại. Tôi thấy không nên thuê “thần đèn” di dời vì hai lý do.
Thứ nhất. Kinh phí ngang bằng, thậm chí sẽ lớn hơn so với xây mới. Quá trình thực hiện hết sức phức tạp, vì phải đào đường Phạm Hồng Thái, hoặc đường Lê Lợi, giao thông đô thị bị ách tắc trong thời gian khá dài. Chi phí phát sinh khá lớn khi phải giải quyết những vật cản phức tạp, phức tạp hơn rất nhiều lần so với hệ lụy đào đường, là hệ thống cấp thoát nước và hệ thống cáp viễn thông.
Thứ hai. Không nên di dời một ngôi nhà đã quá hạn sử dụng lâu lắm rồi. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết, trong thập niên 1980, khi đang làm Chủ tịch Hội VHNT, ông có nhận được một văn bản từ nước Pháp gửi sang thông báo là công trình này đã hết hạn sử dụng. Vì thế, hồi ấy, khi tu sửa trụ sở Hội VHNT, ông Vỹ đã nhờ Viện Thiết kế xây dựng, do KTS. Nguyễn Thế Truyền làm Viện trưởng, tư vấn. Nhóm kỹ sư tư vấn – thiết kế đã đưa ra giải pháp gia cố sàn bê tông bằng hệ thống dầm thép. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ dùng từ “để chống sập”.
Ngay sau ngày giải phóng, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, và tiếp đó một số anh chị em văn nghệ sĩ đã ở dưới tầng hầm của ngôi nhà này. Lúc đó nhà sơn màu vàng. Quá trình tu sửa, khi cạo lớp sơn bên ngoài thì phát hiện ra các bức tường của ngôi nhà được xây bằng gạch không nung. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã đề nghị bên thi công không sơn lại tường mà phục hồi như thiết kế ban đầu, giữ nguyên màu gạch như hiện nay.
Cũng theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, khi tiếp quản trong nhà ngổn ngang nhiều thứ, dưới tầng hầm có cả lựu đạn. Trong các xấp hồ sơ lưu lại có giấy tờ của ngôi nhà. Đó là tư thất của Chánh nhất Tòa thượng thẩm. Theo thông báo “hết hạn sử dụng” từ phía cơ quan chức năng của nước Pháp hồi thập niên 1980 cho thấy ngôi nhà 26 Lê Lợi không phải là di tích tiêu biểu của Pháp ở Huế.
Có thể nói rằng, trên dọc tuyến đường Lê Lợi không phải công trình xây dựng nào cũng là công trình văn hóa Pháp. Và không phải công trình nào cũng đẹp. Phần lớn các tòa nhà là trụ sở các cơ quan công quyền, các cơ quan hành chính của chính quyền bảo hộ, phục vụ cho công cuộc cai trị của nước Pháp tại Việt Nam như: Trại cảnh binh (nay là trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo), trại giam Thừa Phủ, tư thất của Tỉnh trưởng (trụ sở Nhà Văn hóa Thiếu nhi sau này), tư thất Chánh nhất Tòa thượng thẩm (nay là tòa nhà 26 Lê Lợi)…
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết là hồ sơ của nhà 26 Lê Lợi hồi đó được gửi lưu trữ – bảo quản ở bên Bưu điện tỉnh. Không rõ là sau “biến cố” đập nhà xây mới lại trụ sở bưu điện và sau trận đại hồng thủy năm 1999 thì những bộ hồ sơ như thế này liệu có còn không?
Về ý kiến chủ quan cá nhân, tôi thấy trên đường Lê Lợi hiện nay có ba tòa nhà kiến trúc Pháp vừa đẹp vừa có ý nghĩa lịch sử – văn hóa cần được trùng tu – bảo tồn nguyên trạng là nhà Văn phòng Đại học Huế, nhà số 5 (Tòa Dân biểu Trung kỳ, nay đã bán cho một doanh nghiệp nước ngoài), tòa nhà số 23 (trước là Bảo tàng Văn hóa Huế).
Nhà 26 Lê Lợi không đẹp bằng một số biệt thự trên đường Lý Thường Kiệt đã được phá dỡ, chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi chủ sở hữu. Nếu muốn lưu giữ một mô hình nhà ở kiểu kiến trúc Pháp như nhà 26 Lê Lợi chúng ta có thể làm lại một phiên bản khác ở một vị trí khác. Còn trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT thì đã được chuyển đến một vị trí rộng rãi, khang trang hơn và cũng là một kiến trúc Pháp, ở đường Phan Bội Châu – trước đó là nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị.
Thanh Tùng