Một tour trải nghiệm hái rau cùng đồng bào ở xã A Roàng
Mỗi lần đến nhà hàng quen trên đường Trường Chinh (TP. Huế), anh bạn tôi rất mê rau rừng xào tỏi. Tuy nhiên, muốn ăn phải dặn trước vì món này phụ thuộc nguồn cung của mối hàng trên A Lưới.
Cùng đam mê ẩm thực núi rừng, chị Minh Hằng háo hức trở lại A Lưới và quyết định chọn homestay Hương Danh (A Roàng) để thưởng thức lại các món ăn từ rau rừng. Điều thú vị hơn là chị đưa các con tham gia hành trình vào rừng kiếm rau cùng người dân bản địa. Chị Hằng chia sẻ: “Rau rừng mỗi loại có một hương vị riêng, nên hễ ăn là ghiền. Đi cùng bà con mình biết phân biệt loại rau, lại còn biết mùi vị, dược tính của nó nên chuyến đi này rất có giá trị với các thành viên trong gia đình”.
Có những người thích đến nỗi hễ lên vùng cao… là phải ăn rau rừng. Anh Hồ Văn Hùng ở thị trấn A Lưới phải đặt người quen làm mâm cơm có tận 4 món rau rừng xào và bóp khi đón bạn thân dưới phố lên chơi. “Rau rừng là món buộc phải có vì bạn mình dặn đi dặn lại mãi. Từ ngày đi thác A Nor đến nay, mọi người đều nhắc đến món ăn dân dã này”, người đàn ông Pa Cô kể.
Anh Viên Đăng Phú, quản lý homestay Hương Danh thường xuyên nhận tour và phục vụ các yêu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa, trong đó có hoạt động vào rừng hái rau. Hầu như bữa ăn nào của homestay anh đều dọn các món rau rừng… “Rau tàu bay giòn có thể xào hoặc luộc chấm. Môn thục trộn thịt mỡ nướng trong ống tre ăn thơm nồng; rau rớn ăn giòn nhờn vị chát nhẹ dùng để xào hoặc trộn gỏi; lá trưng cuốn nướng thịt thơm lừng; rau chua dùng để nấu canh cá suối như lá me dưới xuôi…”, anh Phú giải thích.
Trong kho tàng văn hóa ẩm thực các đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới, rất nhiều món ăn chế biến gắn liền với rau rừng tạo nên hương vị khác lạ giúp định danh hệ ẩm thực riêng của người dân miền Tây Thừa Thiên Huế. Đây là nét ẩm thực độc đáo của A Lưới và cũng là cách giới thiệu văn hóa đời sống gắn bó với thiên nhiên của đồng bào dân tộc vùng cao.
Không chỉ đơn thuần thêm hương vị cho bữa ăn, một số loại rau rừng có giá trị dinh dưỡng còn giúp trị ho, lợi sữa, ngủ ngon… Theo lương y Lê Hữu Mạch, Chủ tịch Hội Đông y TP. Huế, nếu biết cách sử dụng, nhiều loại rau rừng còn dùng làm vị thuốc hỗ trợ điều trị một số căn bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, khớp…
Tại A Lưới, một số loại rau rừng được người dân hái về bán ở chợ. Trong đó, phổ biến nhất là rau rớn: 10.000-15.000 đồng/bó, xà lách xoong: 15.000-20.000 đồng/bó, lá trưng 70.000 – 80.000 đồng/kg. Quản lý cửa hàng đặc sản A Lưới Lan Chi nói rằng, chị có bán một số loại rau rừng nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu hái của người dân và theo mùa. Ngoài rau rớn, môn thục là món được ưa chuộng khi nấu với thịt, cá khô, ếch khô… Tuy nhiên, do rau mọc hoàn toàn tự nhiên nên muốn ăn phải báo trước vài ba ngày để nhờ bà con tìm hái.
Vừa là thực phẩm sạch lại là dược liệu, song nguồn cung rau rừng rất ít. Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết, hiện chỉ có một vài người dân trồng xà lách xoong nhỏ lẻ ven suối. Loại rau này khá đặc thù nên chưa có mô hình nào thử nghiệm trồng rau rừng cung cấp cho thị trường.
Nhu cầu về rau sạch đang tăng cao, trong khi một số địa phương như Quảng Nam, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Lạng Sơn… đã có những vườn rau rừng từ cây con tự nhiên đem về trồng tại nhà hoặc của các hợp tác xã mang lại thu nhập cao cho người dân. “Thuần hóa” rau rừng, biến nó thành một mặt hàng đặc trưng có thể là hướng đi biết đâu lại mang đến một cơ hội sinh kế cho người dân vùng cao A Lưới.
Còn bây giờ, nếu nhớ món rau rừng, chỉ còn cách phóng xe lên A Lưới để thưởng thức ngay thôi!
Bài ảnh: L.Tuệ