Nhiều công trình giao thông gặp khó vì “bão giá”

Các nhà thầu thi công đoạn cao tốc qua địa bàn Thừa Thiên Huế lo lắng khi giá vật liệu tăng

Đẩy nhanh tiến độ trong thế khó

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng trên thị trường tăng đột biến, nhất là các loại sắt thép, đá, cát, nhựa đường… Cá biệt với giá thép tăng từ 50-60%; cát xây dựng trở nên khan hiếm và giá tăng gần 100% so với cùng kỳ năm trước.

Tại dự án (DA) đường Phú Mỹ – Thuận An nằm phía đông TP. Huế do Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế – đơn vị thi công gói thầu 6 và 14 với hơn 1,2km đến nay đạt hơn 50% khối lượng công việc; trong đó có 4 cống hộp đã cơ bản hoàn thiện. Tuy vậy, để tăng tốc phấn đấu đưa DA về đích rất khó vì ngoài thời tiết, dịch bệnh, giá vật tư tăng “phi mã”. Trước đây, khi bỏ thầu, giá đá dăm 22 nghìn đồng/m3 nay đã lên gần 25 nghìn đồng/m3; giá nhựa đường hơn 11 nghìn đồng/kg, nay tăng lên gần 15 nghìn đồng/kg. Tổng dự ước vật liệu dành cho các gói thầu mà đơn vị này tham gia để thi công hoàn thiện DA hiện đang cần hơn 10 nghìn tấn nhựa đường, hơn 27 nghìn m3 đá các loại và hơn 100 tấn thép thì phải bù lỗ gần 4 tỷ đồng.

Gói thầu số 6 của cao tốc Cam Lộ – La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) xây dựng ở TP. Huế, hiện nay vật liệu thép và cát xây dựng còn có nguy cơ khan hiếm và tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, đơn giá vật liệu xây dựng đưa ra từ các DA đầu tư xây dựng vốn đầu tư công trong tỉnh vẫn chưa “chạy” theo kịp mức giá trên thị trường. Điều này đã, đang gây khó khăn cho hoạt động của các DN xây dựng khi nguyên liệu đầu vào và mức giá trúng thầu chênh lệch quá cao.

Gần đây, nhiều DN trúng thầu thi công các gói thầu xây dựng cầu, đường trong tình trạng lo lắng; một số gói thầu triển khai đấu giá nhưng các DN ngần ngại sợ thua lỗ khi trúng thầu. Hiện nay, DA đường tây phá Tam Giang dài hơn 12km nối từ TP. Huế về Trung tâm Phú Vang mới khởi công, nhưng các nhà thầu lo về giá vật liệu tăng nhiều lần so với mức giá lúc bỏ thầu.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư DA đường Phú Mỹ – Thuận An và DA đường tây phá Tam Giang), hiện đang đôn đốc các nhà thầu cố gắng thực hiện theo đúng hợp đồng nhưng họ kêu vì vật tư lên giá quá cao. Tiến độ bị ảnh hưởng không chỉ thời tiết, dịch bệnh mà còn do nhà thầu mua vật tư cầm chừng. Các nhà thầu, đơn vị thi công đang đề xuất các cơ quan chức năng xem xét tham mưu UBND tỉnh sớm điều chỉnh giá vật liệu.

Vẫn nỗ lực đưa dự án về đích

Tại DA cao tốc Cam Lộ – La Sơn đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hơn 62,5km, hiện chủ đầu tư đang đôn đốc để tăng tốc về đích cuối năm 2022 nhưng các nhà thầu, đơn vị thi công như ngồi trên “đống lửa” vì giá vật liệu tăng cao. Đơn cử như Công ty CP Xây dựng Đèo Cả đang liên danh thi công gói thầu 6 dài hơn 8km (Km 52+500 đến 60+800) và 5 cây cầu trên tuyến thuộc DA cao tốc Cam Lộ – La Sơn đến thời điểm này chưa đạt 60% khối lượng công việc.

Theo ông Trần Hoài Nam, phụ trách công trình, thuộc Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, thời điểm đấu thầu các gói thầu cuối năm 2020, giá xăng từ 15 nghìn đồng/lít hiện đã lên gần 30 nghìn đồng/lít; giá thép xây dựng chỉ xấp xỉ 11 nghìn đồng/kg, nhưng đến nay đã hơn 20.000 đồng/kg… “Hiện mức giá vẫn chưa được điều chỉnh theo chỉ số của tỉnh, thế nhưng theo ước tính mức tăng giá của vật liệu so với thời điểm đấu thầu, đơn vị phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay phải bù lên đến vài chục tỷ đồng và đang lo gánh gồng chi trả vật liệu, xăng dầu thiết bị… ” – ông Nam nói.

Tương tự, tại gói thầu số 9 thuộc Km 80+500-93+435, thuộc DA cao tốc Cam Lộ – La Sơn đi qua địa bàn tỉnh, do liên danh giữa Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4, Cầu 7 Thăng Long và Công ty Xây dựng Trung Chính, đến thời điểm này đã hoàn thành 100% việc đắp đất nền; trong đó tiến hành thảm nhựa mặt đường một số đoạn, đạt hơn 80% khối lượng công việc.

Ông Trần Văn Thành, Chỉ huy trưởng, Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 cho biết, với mức giá vật liệu các loại tăng từ 20-30% so với thời điểm trúng thầu, nếu không được điều chỉnh sớm và sát thực tế thì các nhà thầu càng thi công càng lỗ.

Ông Tạ Gia Minh Hưng, Trưởng phòng Điều hành DA 2, BQL đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư DA cao tốc Cam Lộ – La Sơn) thừa nhận, giá nguyên vật liệu tăng quá cao so với chỉ số giá ký với nhà thầu ban đầu, trong khi giá vật liệu theo thông báo giá của các địa phương đang chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, hoặc công bố nhưng không theo kịp giá thị trường càng khiến nhà thầu gặp khó khăn.

Để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu có đủ dòng tiền quay vòng tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép thuê tư vấn xây dựng chỉ số giá riêng cho từng gói thầu. Trong thời gian chưa lập và phê duyệt chỉ số giá riêng từng gói thầu, Bộ GTVT cho phép tạm thanh toán điều chỉnh giá theo chỉ số giá của địa phương công bố. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ thanh toán bù trừ để kịp thời bù đắp một phần trượt giá giúp nhà thầu giảm khó khăn, nỗ lực đưa DA về đích vào cuối năm 2022.

Bài, ảnh: Minh Văn

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …