Nhiếp ảnh gia đắt khách dịp Tết

Tết là thời gian các nhiếp ảnh gia thỏa sức làm nghề. Ảnh: NVCC

Trúng mùa

Trong những năm qua, nhiếp ảnh gia tự do là một nghề tay trái được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Không có cửa tiệm riêng, thiếu về nhân lực lẫn đạo cụ hỗ trợ, nhưng những nhiếp ảnh tự do lại tạo ra cách chụp, góc chụp, phong cách, hậu kỳ… khác biệt, thu hút nhiều bạn trẻ đặt lịch.

Trải qua 4 năm bén duyên với nhiếp ảnh, Hồ Khắc Nhật Huy (20 tuổi, TP. Huế) đã quen với việc tất bật các “show” chụp ảnh mùa Tết cho các bạn học sinh, sinh viên.

Vừa loay hoay lựa chọn trang phục cho mẫu ảnh, Nhật Huy chia sẻ: “Hôm nay mình chụp tại vườn mai trong kinh thành Huế. Khách của mình mang nhiều áo dài nhưng không biết màu nào phù hợp để khi chụp với đường mai sẽ đẹp hơn, nên nhờ mình tư vấn. Dù mình chỉ chuyên về nhiếp ảnh nhưng mấy chuyện này cũng phải rành để tư vấn cho khách hàng”.

Nhật Huy thường nhận chụp ảnh qua mạng xã hội. Khách theo dõi trang cá nhân, thấy phong cách chụp phù hợp, có nhu cầu đặt lịch thì liên hệ trên đó. Thông thường, khách cũ nhận được ảnh ưng ý sẽ thuê chụp tiếp và giới thiệu thêm khách mới.

Để hành nghề một cách thật chuyên nghiệp, Nhật Huy cũng đầu tư dàn máy ảnh chất lượng để phục vụ cho mùa tết này. “Kể từ lúc bước vào làm nhiếp ảnh tự do, mình phải đầu tư máy ảnh để những bức ảnh chụp ra có được vẻ đẹp và chất lượng tốt nhất do mọi người có nhu cầu chụp ảnh lấy file liền và không cần photoshop nhiều”, Nhật Huy cho biết.

Cũng là một nhiếp ảnh tự do, Nguyễn Khôi Nguyên (21 tuổi, TP. Huế) đã nhận lịch kín từ 2 tuần đến trước giao thừa.

“Tết đến nên nhiều người có nhu cầu chụp ảnh để lưu lại làm kỉ niệm. Năm nay Huế lại ít nắng, nên những ngày có nắng vừa qua mình gần như không nghỉ, từ sáng sớm đến tối khuya đều có người đặt chụp. Năm nay, nhiều người lựa chọn chụp cùng áo dài và phong cách hơi hoài cổ”, Khôi Nguyên thông tin. Tuy nhiên, việc di chuyển giữa nhiều địa điểm liên tục khiến Khôi Nguyên gặp một số vấn đề về sức khỏe. Phải đeo balo đựng máy ảnh từ sáng sớm đến tối muộn, Khôi Nguyên chia sẻ cậu bị đau mỏi cột sống.

“Trước Tết Nguyên đán, các tụ điểm nổi tiếng thu hút nhiều người trẻ đến check-in. Để chụp vài tấm hình, có khi mình và mẫu phải chờ đợi trung bình 20-30 phút. Thời gian chờ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của cả nhiếp ảnh gia và khách hàng. Trong những trường hợp này, mình thường phải linh hoạt trò chuyện, kể vài câu chuyện vui để giúp khách hàng thoải mái tinh thần, tự nhiên trước ống kính”, Khôi Nguyên nói.

Ảnh đẹp giá sinh viên

Tranh thủ những ngày Huế có nắng trước Tết, Phan Thị Kiều Oanh (phường Hương Long) đã nhanh chóng đặt lịch chụp ảnh đón năm mới. Cô sinh viên hào hứng khi có được những tấm hình ưng ý với giá cả phải chăng: “Mình lựa chọn chụp tại cung An Định với áo dài. Thế là, vừa được anh nhiếp ảnh gia tư vấn chọn áo, vừa được tư vấn pose dáng sao cho đẹp, ánh mắt thế nào, phụ kiện ra sao để lên hình được xinh nhất. Chỉ mất 500.000 đồng, mình đã có một bộ ảnh cực kì hài lòng”.

Chụp ảnh với trang phục áo dài được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Ảnh: MVCC

Nhật Huy cho biết, giá của dịch vụ chụp ảnh tự do rất bình dân, không tốn tiền thuê mặt bằng. “Dù làm nghề tự do nhưng mình luôn đầu tư bài bản, chăm chút từ bối cảnh cho đến hậu kỳ của từng bức ảnh. Mỗi bộ ảnh có giá dao động từ vài trăm cho đến tiền triệu, tùy yêu cầu của khách”, Nhật Huy chia sẻ.

Theo Khôi Nguyên, thu nhập cao hơn sẽ kéo theo áp lực nhiều. Nếu mình chụp không đúng tiến độ, trả ảnh trễ hẹn thì khách hàng thường khó chịu, thậm chí la mắng. Ngoài ra, một số khách hàng cảm tính, không lắng nghe tư vấn của nhiếp ảnh. Từ đó, họ chọn sai phong cách, dẫn đến bộ ảnh không đẹp như kỳ vọng. Tuy nhiên, họ lại đổ lỗi cho người chụp ảnh, viện dẫn công việc tự do để chê bai chất lượng. Nhiều khách hàng trẻ tuổi còn sẵn sàng “bóc phốt” nhiếp ảnh trên mạng xã hội”.

Xem ra, nhiếp ảnh cũng là nghề “làm dâu trăm họ”.

Bài: ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …