Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Mô hình “Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên” đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp

Tự tin bước ra từ các cuộc thi

Trong một lần ngồi nói chuyện với chồng (đầu bếp làm việc ở nhiều nhà hàng lớn tại Đức) về việc sản xuất một sản phẩm mới, chị Trần Thị Kim Quý (phường Xuân Phú, TP. Huế) nảy ra ý tưởng làm vịt quay rút xương. Nghĩ là thực hiện, chị cầm số vốn khởi nghiệp 200 triệu đồng cùng chồng tìm vùng nguyên liệu sạch để nuôi vịt, cho ra những lứa vịt đạt yêu cầu chế biến món ăn. Do vịt được cho ăn thức ăn truyền thống như lúa, cám, khoai, ốc… nên thịt ngọt và thơm.

Về quy trình sản xuất vịt quay rút xương, chị chia sẻ đó là cả một quy trình với từng công đoạn đều phải chăm chút kỹ lưỡng. “Vịt quay rút xương mọi người có thể làm, nhưng hơn nhau ở chỗ canh độ lửa nướng sao cho hợp lý và quan trọng nhất là bí quyết nêm nếm gia vị ướp”, chị Trần Thị Kim Quý cho hay. Sản phẩm được đóng gói bao bì cẩn thận nên khi khách dùng bữa, chỉ việc mở bao và cho vào nồi chiên không dầu hoặc áp chảo. Mang vị thanh ngọt tự nhiên, món ăn này phù hợp khi dùng kèm cơm, bún, phở, mì, bánh ướt.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất và cung cấp ra thị trường 1.200 con vịt quay rút xương. Giá nguyên con là 280.000 đồng; nửa con giá 140.000 đồng. Hạn sử dụng một năm kể từ ngày sản xuất, nếu khách bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Ngoài kinh doanh vịt quay rút xương, hiện vợ chồng chị Quý còn quản lý cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Huế và quán ăn chuyên bán bún bò Huế. Vừa qua, dự án hệ sinh thái gia vị Huế “Ready to eat” của chị đạt giải ba tại cuộc thi Phụ nữ kinh doanh tài ba năm 2022.

“Vịt quay rút xương” của chị Trần Thị Kim Quý là một trong số 50 hồ sơ/đề án khởi nghiệp đạt giải cao tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Thừa Thiên Huế tổ chức, và được hiện thực hóa phát triển trong 3 năm qua. Bên cạnh “Vịt quay rút xương”, có thể kể đến là các đề án Phát triển du lịch Sen Huế (Dương Thị Thúy Hằng), Chuỗi Nhà hàng ẩm thực (Đỗ Thị Thu), Giáo dục trẻ theo triết lý thuận tự nhiên (Nguyễn Thị Phương Nam), đề án Các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên (Nguyễn Thị Trà My), Các dòng bánh quy, bánh ngói (Nguyễn Thị Huyền Sương) hay Trà Sen xứ Huế (Đỗ Ngọc Quỳnh Châu).

Từ các cuộc thi, hội viên phụ nữ TP. Huế ngày càng khẳng định mình, tự tin, bản lĩnh, có tính tự chủ cao trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu và mở rộng thị trường trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài. Đây chính là bước tiến đột phá của phụ nữ TP. Huế thời gian qua.

Hiệu quả từ thực hiện Đề án 939

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của chị em, Hội LHPN tham mưu UBND TP. Huế triển khai Kế hoạch số 1400 – KH/UBND ngày 26/4/2018 về thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hàng năm, Hội LHPN thành phố cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch đến các cơ sở hội trực thuộc. Hội viên, phụ nữ TP. Huế tích cực tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Thừa Thiên Huế tổ chức và đạt nhiều giải cao là một điểm nhấn đáng ghi nhận.

Để thực hiện đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp”, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã triển khai thí điểm mô hình tại một số đơn vị, như: Phú Hội, Thủy Xuân, Kim Long; thành lập và ra mắt CLB “Phụ nữ khởi nghiệp” TP. Huế, với 27 thành viên đang công tác, sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trên địa bàn thành phố…

Bước đầu triển khai thực hiện các cấp hội gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là nguồn lực. Bản thân phụ nữ vẫn còn gặp những rào cản khiến họ chưa mạnh dạn trên con đường khởi nghiệp. Đáng nói là, chưa đủ tự tin để vượt ra khỏi vùng an toàn. Các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh quy mô còn nhỏ. Thứ nữa là khả năng tiếp cận thị trường, kỹ năng, kinh nghiệm còn hạn chế…

Theo đánh giá của chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế, qua 4 năm thực hiện đề án, được sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ từ phía các cấp hội, các ngành liên quan thường xuyên tạo điều kiện, kết nối để các chị được tham gia các lớp tập huấn, các hoạt động trải nghiệm, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Qua đó, cung cấp, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; phát hiện, giới thiệu các phụ nữ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các cuộc thi do Hội LHPN, UBND tỉnh tổ chức; hướng dẫn tìm kiếm nhà đầu tư; nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp… Từ đó, nhân rộng mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huế Thu

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …