Người tù chính trị Lê Anh Kha trong lần thăm lại “chuồng cọp” năm 2014
Ông Lê Anh Kha bên người bạn thân và chiếc áo đầy kỷ niệm
Sớm đi theo cách mạng
Ông Lê Anh Kha, sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Thủy Thanh (Hương Thủy). Mẹ ông là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, được phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Ba mẹ ông sinh 10 người con, có 2 người là liệt sĩ, 4 người là thương binh. Gia đình ông được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai. Gia đình ông từng nuôi giấu cán bộ nên ông cũng sớm tham gia hoạt động cách mạng.
“Từ năm 1966, tôi hoạt động trong nhóm học sinh, sinh viên nội thành do ông Trần Duy Lan (lúc bấy giờ là Ủy viên Thành ủy Huế) làm đội trưởng. Hoạt động được 2 năm, đến đầu năm 1968, trong chuyến đi lên Xanh để ra Bắc, chúng tôi bị chỉ điểm. Đoàn có hơn 60 người, đều là học sinh, sinh viên, đi từ Huế đến Hà Trữ, Phú Thứ (huyện Phú Vang) thì bị địch phục kích vây bắt. Ông Trần Duy Lan và nhiều đồng đội hy sinh tại chỗ. Riêng tôi và một số anh chị em bị địch bắn trọng thương, chúng bắt về đồn Mang Cá, sau đó giam tại lao Thừa Phủ, rồi đày đi đi Côn Đảo” – ông Lê Anh Kha nhớ lại.
Nơi “địa ngục trần gian”
Tháng 3/1968, địch đưa ông Lê Anh Kha đến Côn Đảo. Đầu tiên, chúng giam ông ở trại số 7, còn gọi là “trại công xưởng”. Được một thời gian, ông bị nhốt vào “chuồng cọp” tại trại số 2. Ông nhớ lại lý do mình phải vào chuồng cọp: “Ở trại số 7 có chào cờ Quốc gia (cờ ba que) vào buổi sáng, nhưng tôi và một số đồng chí cố tình chống đối. Cai ngục lập tức lôi ra đánh đập, tra tấn rất dã man. Chúng găm kẹp vào lưỡi, vào tai, vào răng rồi giật điện tra tấn; cột tay chân vào giường đánh hộc cả máu. Nhiều lần tôi đã nghĩ rằng chuyến này mình xong rồi, nhưng vẫn quyết tâm cho dù chết vẫn cố gắng giữ khí tiết người cộng sản, không chịu khuất phục trước kẻ thù”.
Người tù chính trị Lê Anh Kha trong lần thăm lại “chuồng cọp” năm 2014
Ông bị giam tại “chuồng cọp” 6 tháng, chịu đủ cảnh khổ cực, muôn kiểu tra tấn dã man. Ông chỉ được mang độc một chiếc quần đùi, chân bị xích, nằm giữa nền đất. Một gian “chuồng cọp” như vậy có ba người, nhưng chỉ có một thùng gỗ để đi vệ sinh chung, một tuần chúng mới đổ một lần nên mùi hôi thối rất kinh khủng. “Thời gian ở “chuồng cọp”, có những đêm buồn, nhớ nhà, nhớ mẹ, tôi tự sáng tác nhạc và cất tiếng hát. Có bài hát có câu “vì trời còn ngập tràn trăng sao, lòng mình còn đầy thương nhớ, thì còn ngày nối duyên nhau”. Cai ngục nghe được cho rằng, “sao” trong câu hát ý nói về Sao vàng năm cánh trên Quốc kỳ, bài hát hô hào cho tinh thần cộng sản, quyết tâm lúc ra khỏi tù vẫn hoạt động cách mạng, nên chúng lại đánh và tra tấn nặng nề”, ông Lê Anh Kha chia sẻ.
Sau 6 tháng ở “chuồng cọp”, địch thả ông ra và chuyển về trại số 5. Khi được đưa lên khỏi chuồng cọp, ông yếu đến mức chân ông không đứng vững. Do nằm nền đất nhiều nên ông bị bệnh gan nặng, phải đưa đi chữa trị tại Trạm y tế Côn Đảo. Bác sĩ Nguyễn Minh Triết (người Đà Nẵng) là tù chính trị, nhưng được phục vụ ở trạm y tế đã dốc lòng chữa bệnh cho ông. Sau này, ông Lê Anh Kha đặt tên cho một trong những đứa cháu là Minh Triết, như một cách để nhớ ơn người đã cứu mạng mình tại chốn lao tù.
Chiếc áo 47 miếng vá
Trước chuyến đi lên Xanh năm 1968, ông được chị dâu, bà Lê Thị Lép, may cho hai bộ áo quần để mang theo, một bộ màu xanh lá mạ và một bộ màu nâu. Lúc bị bắt và đưa đi Côn Đảo, ông vẫn giữ kỹ hai bộ áo quần ấy. Sau này, bộ màu nâu ông tặng cho bác sĩ Nguyễn Minh Triết. Bộ còn lại, ông mặc suốt 4 năm tại Côn Đảo. Đó cũng là khởi nguồn của câu chuyện về chiếc áo 47 miếng vá đầy đau thương nhưng không kém phần anh dũng, kiên cường của người cộng sản.
Bộ quần áo 47 miếng vá được gìn giữ cẩn thận suốt hơn nửa thế kỷ
Vừa lấy tay nâng niu bộ áo quần kỷ niệm lỗ chỗ những miếng vá đủ loại vải, đủ kích cỡ, đủ màu xanh, đỏ, xám, vàng, nâu… ông Lê Anh Kha như trở lại những ngày tháng tại Côn Đảo. Ông kể: “Bộ quần áo của tôi mặc đã lâu, lại thêm tù đày lao động nhiều, rồi đòn roi, nên dần bị sờn, rách. Tôi nảy ra ý định phải vá để mặc tiếp, vì ngoài Côn Đảo chẳng có áo quần gì cả. Khi từ “chuồng cọp” về trại số 5, ông được giao việc gánh phân của tù đem đổ ở ngoài rú phía xa. Khi đi ra rú, ông nhặt nhạnh từng miếng vải nhỏ, kể cả bao bố tìm thấy được trên những cồn cát, đem về giặt sạch, phơi khô để vá dần. Dần dà, tôi vá được 47 miếng trên bộ quần áo”.
Quy định của trại giam là tù nhân không được mang theo vật nhọn vào phòng giam. Do vậy, ông mượn kim chỉ của trật tự trại giam để vá, sau khi khâu xong thì trả lại. “Miếng vá đầu tiên là ở sau mông, tôi vá bằng vải bao bố của Mỹ. Do tôi phải ngồi lê lết lao động trên cồn cát, rồi bị đòn roi nên cái mông quần rách đầu tiên, phải vá lại. Những buổi lao động khổ sai cũng như cực hình với tù nhân. Tôi còn nhớ những đêm hai giờ khuya phải xuống biển đánh cá cho cai ngục ăn. Lúc đấy đói lắm. Bọn chúng múc cho những tô cháo trắng để trên bờ cát. Trời khuya, gió lớn thổi cát vào cháo, ăn vào rát cả cổ họng nhưng vẫn phải ăn để có sức mà làm, mà sống…
Những miếng vải lần lượt được ông vá lên bộ áo quần đã cũ, bạc màu, miếng cuối cùng là miếng thứ 47. Cuối tháng 10/1971 ông được đưa khỏi Côn Đảo, tròn một năm và qua 4 nhà tù khác nhau. Ban đầu, chúng đưa ông từ Côn Đảo về nhà tù Tân Hiệp rồi ngục Chí Hòa (Sài Gòn), tiếp đó đưa về Quảng Ngãi 3 tháng, Đà Nẵng 3 tháng, đến tháng 10/1972 mới đưa về Huế. Lúc về đến Huế, ông về tìm nhà. Mẹ ông ban đầu nhìn con không nhận ra, cho đến khi ông cất giọng “mẹ ơi, Kha về đây”. Bà ôm người con tưởng chừng như không bao giờ còn được gặp lại, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Nhiều người từ Côn Đảo về vừa ra trình diện đã bị chúng bắt đi lính ngay. Riêng ông, sau khi trở về từ Côn Đảo, liên lạc được với đường dây, không ra trình diện mà trú ở chùa Tường Vân, tiếp tục hoạt động cách mạng cho tới khi giải phóng năm 1975.
Bộ áo quần có 47 miếng vá được ông và gia đình gìn giữ cẩn thận suốt hơn nửa thế kỷ qua, như là một gia bảo ở ngôi nhà nhỏ thuộc phường Tây Lộc (Huế). Ông vẫn căn dặn con cháu: Cha ông đã đổi xương máu, tính mạng để giành lấy Tổ quốc độc lập và tự do; các con, các cháu do vậy phải biết nâng niu, trân trọng lịch sử, trân trọng những người đã ngã xuống vì niềm tin về Việt Nam hai miền thống nhất.
Bài, ảnh: Đăng Trình