Doanh số cho vay của tổ do ông Tư (bên trái) quản lý đạt gần 4 tỷ đồng
Người tổ trưởng tận tâm
Có thâm niên hoạt động trong tổ TK&VV 23 năm từ khi còn là Ngân hàng Phục vụ người nghèo thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và là tiền thân Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), lúc đó, ông Tư còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Văn (nay là phường Hương Văn). Sau này khi chính thức thành lập NHCSXH, được sự tín nhiệm của ngân hàng cũng như chính quyền, ông vẫn gắn bó với hoạt động TDCS. Đến khi về hưu, ông vẫn gắn bó với hoạt động TDCS với vai trò mới Tổ trưởng tổ TK&VV.
Xuất thân là một nhà nông, thấu hiểu được những vất vả khó khăn của của người dân, nhất là thiếu vốn sản xuất nên khi đảm nhận vai trò Tổ trưởng tổ TK&VV, ông Tư luôn nhiệt tâm, nhiệt thành, nỗ lực đưa những chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới đúng đối tượng thụ hưởng một cách công khai và có hiệu quả.
Là lái xe tải, vợ không có việc làm nên gánh nặng cơm áo và 2 đứa con ăn học đè nặng lên vai anh Trần Xuân Phi, tổ dân phố Giáp Trung. Mới đây với sự tư vấn của ông Tư, anh Phi mạnh dạn vay vốn 90 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm và một phần vốn tích cóp của gia đình đầu tư mở rộng không gian sân vườn làm quán cà phê. Sau 1 thời gian đi vào hoạt động, quán cà phê của gia đình anh được nhiều người biết đến nên lượng khách khá đông.
Anh Phi chia sẻ, thật sự nếu không có bác Tư động viên và giới thiệu về chương trình vay vốn lãi suất thấp thì gia đình cũng không biết và cũng không có suy nghĩ sẽ mở quán cà phê để kinh doanh. Từ khi mở quán, không khí trong nhà cũng thoải mái hẳn vì vợ, con đều có công việc làm, lại có thu nhập ổn định.
Gương mẫu trong sử dụng vốn vay
Với cương vị là tổ trưởng, ông Tư không chỉ bảo toàn được nguồn vốn, mà còn tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là chính sách ưu đãi tín dụng đến hội viên để nhiều hộ gia đình được vay vốn ưu đãi với mục đích phát triển kinh tế gia đình, góp phần trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Theo ông Tư, trước đây người dân chưa có thói quen TK&VV để phát triển kinh tế nên việc cho vay và thu hồi các khoản vay khá khó. Tuy nhiên dần dà, thấy được lợi ích từ việc tận dụng nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, tỷ lệ dư nợ mới tăng lên. Để đảm bảo thu hồi nợ và tiết kiệm đúng hạn, người tổ trưởng phải bám sát tình hình thực tế của từng hội viên để kịp thời tháo gỡ, tư vấn những vấn đề có thể phát sinh. Hàng tháng đều tiến hành các cuộc họp trực tiếp hoặc trực tuyến qua nhóm zalo để nhắc nhở hội viên nộp tiền đúng hạn.
“Nếu như thông lệ, ngày 16 hàng tháng sẽ là ngày giao dịch tại phường thì trước đó từ mồng 10, tôi đã nhắn tin đến từng hộ thu xếp các khoản nộp để đến ngày 14 có thể chốt lại tất cả các khoản nộp đảm bảo việc giao dịch được thuận lợi”, ông Tư chia sẻ.
Không chỉ làm tốt vai trò tổ trưởng, bản thân ông Tư còn gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng khá hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư hệ thống chuồng trại với hệ thống nguồn nước, thức ăn tự động, khu sinh sản hiện đại. Hiện chuồng trại của ông đang nuôi 3 con lợn nái và hơn 30 con lợn thịt. Ông còn đầu tư chăn nuôi gà, vịt, trồng trọt… mang lại thu nhập ổn định hơn 700 triệu đồng/năm.
Ông Tư chia sẻ, mình phải gương mẫu, phải sáng tạo sử dụng nguồn vốn hiệu quả mới có thể chia sẻ cho hội viên những mô hình cách làm hay được.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc NHCSXH Hương Trà thông tin, ông Tư là một trong những tấm gương sáng trong hoạt động TDCS. Không chỉ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, ông còn là người năng động trong hoạt động tín dụng, nhờ đó tỷ lệ dư nợ của tổ rất cao với gần 4 tỷ đồng, chất lượng tín dụng luôn đứng trong top đầu và được ngân hàng, chính quyền địa phương ghi nhận.
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN