Người mẹ thứ hai

Niềm vui của chị Ngọc khi em bé sinh ra tại trạm y tế khỏe mạnh

Trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19, để thực hiện chủ trương cách ly, điều trị F0 tại nhà, các TYT lưu động được thành lập. Chị Ngọc là tổ trưởng tổ y tế lưu động 1, thuộc TYT lưu động xã Phú Hải.

Mưa rét nên dù kim đồng hồ đã nhích qua 5 giờ 30 phút, trời vẫn chưa sáng rõ mặt người. Thôn xóm vẫn còn ngái ngủ. Nhưng lúc đó, chị Lương Thị Kim Ngọc đã rời nhà, cùng “con ngựa sắt” chạy về hướng cuối thôn Cự Lại Trung, nơi có F0 được cách ly điều trị tại nhà, đang trở sang triệu chứng nặng. Không phải phiên trực, nhưng người dân gọi gấp gáp, nên chị Ngọc vội vã đến với bệnh nhân, đồng thời điện thoại báo cho ca trực của TYT lưu động.

“Điện thoại Ngọc như 1080”. Đó là cách chồng của chị Ngọc bày tỏ yêu thương tự hào khi nói về việc chuông di động của vợ có thể vang lên bất cứ lúc nào, kể cả lúc khuya khoắt, 2-3 giờ sáng, những đêm không phải ca trực, chứng tỏ sự tin tưởng của người dân trên địa bàn.

Chị Ngọc nói rằng, đến nay là 15 năm với nhiệm vụ nữ hộ sinh, không thể nhớ nổi, không thể đếm hết những lần vội vã chạy về cạnh người bệnh, khi họ cần đến chị. “Đặc biệt, các cháu nhỏ sốt cao rất nguy hiểm. Nếu không xử lý hạ sốt kịp thời có thể dẫn đến bại não. Vậy nên lúc nào nhận điện thoại xong tôi cũng hỏi ngay, cháu nhỏ bao nhiêu tuổi, trong nhà hiện có loại thuốc hạ sốt nào, để tư vấn, hướng dẫn ban đầu. Tại các chương trình tiêm chủng cho bà mẹ, trẻ em, bao giờ tôi cũng dặn dò các bà mẹ trẻ, trong nhà lúc nào cũng phải có gói thuốc hạ sốt hoặc viên thuốc nhét hậu môn cho em bé. Lúc cần, bất kể khi nào cứ gọi, tôi sẵn sàng hỗ trợ, sẵn sàng có mặt. Đừng để trẻ sốt cao, co giật, động kinh, xót lắm”.

Chị Lương Thị Kim Ngọc nhớ lại, cách đây 3 năm, cháu bé 4 tuổi được mẹ đưa đến TYT trong tình trạng sốt 40,5 độ. Một y sĩ đồng nghiệp tiếp nhận bệnh nhân, thăm khám, đợi xử lý. Đột nhiên mẹ cháu bé hét lên thất thanh. Lúc này cháu bé quéo tay chân. Vừa chạy đến, vừa “hô” người lấy bình ô xy, người lấy thuốc nhét hậu môn, còn chị Ngọc dùng kim mở huyệt cho bệnh nhân. Bác sĩ trưởng trạm cũng ngay lập tức có mặt hỗ trợ. “Chúng tôi phối hợp xử lý tất cả những điều đó chỉ trong tích tắc, nhờ vậy cháu bé qua được cơn nguy hiểm. Lúc chúng tôi chuyển cháu bé đến, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế nói rằng, TYT đã xử lý quá tốt. Nếu can thiệp, xử lý ban đầu chậm chỉ 5 phút, hậu quả là khôn lường” – chị Ngọc bày tỏ. Chị Nguyễn Thị Mến (mẹ cháu bé) vẫn đầy nguyên xúc động: “Nữ hộ sinh Lương Thị Kim Ngọc và các y, bác sĩ TYT xã Phú Hải, là người mẹ đã sinh ra con tôi lần thứ hai”.

Trong tình cảm của rất nhiều người dân xã Phú Hải nói chung, các bà mẹ trẻ, nữ hộ sinh Lương Thị Kim Ngọc là “từ mẫu” áo blouse trắng. “Chị ơi, chưa đến ngày, nhưng em đã muốn bắt rặn, làm sao bây giờ”, “chị ơi sinh con rạ nên em chủ quan, bây giờ đứa bé “đòi ra” nhanh quá trở tay không kịp, lo quá”… Đó là những điều mà các sản phụ gọi đến chị Ngọc lúc tình trạng gấp gáp, cấp bách. “Bình tĩnh nhé, đừng lo”, là câu đầu tiên chị Ngọc động viên, đồng thời hướng dẫn cho sản phụ và người nhà đến TYT nhanh chóng và an toàn nhất. Nếu không phải ca trực, chị Ngọc sẽ “bay” ngay, cố gắng có mặt tại trạm trước khi sản phụ đến. Bởi người nữ hộ sinh ấy hiểu rằng, chính sự có mặt sẵn sàng của chị là “điểm tựa” tinh thần cho sản phụ.

Đã “đỡ” cho rất nhiều ca khó như sản phụ cao huyết áp; thai nhi bị rốn quấn cổ; thai to…, “mẹ tròn con vuông”. Nhưng với tình yêu thương và trách nhiệm của người thầy thuốc – người mẹ, chị Ngọc luôn dặn dò các sản phụ, nếu sức khỏe không tốt, có nhiều nguy cơ, thì tuyệt đối không được chủ quan, mà phải đến tuyến trên, nơi có đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị y tế hiện đại, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho cả mẹ và con.

Ông Phan Văn Bá, Trạm trưởng TYT xã Phú Hải nói rằng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của nữ hộ sinh Lương Thị Kim Ngọc rất cao. Lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời chị Ngọc luôn học hỏi đồng nghiệp, trau dồi kiến thức. Thực hiện nhiệm vụ của người lương y bằng tình yêu thương tự đáy lòng, nên chị Ngọc được người dân trên địa bàn tin yêu, mến phục.

Người dân xã Phú Hải vẫn còn nhớ vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Hôm đó trời mưa rét, người đàn ông ở địa phương khác điều khiển xe máy tự ngã, bất tỉnh trên đường. Mũ bảo hiểm chặn ngang cổ nạn nhân, rất nguy hiểm. Tình cờ ngang qua, chị Ngọc dừng lại, nhanh chóng xử lý khai thông đường hô hấp, trước khi nạn nhân tiếp tục được đưa đến bệnh viện. “Sự tận tâm của chị Ngọc thật đáng quý, đáng trân trọng”- nhiều người dân Phú Hải bày tỏ.

Khi bị tai nạn ong đốt, tức ngực, đau đầu dữ dội, người đầu tiên ông Đinh Văn Yên (ngoài 60 tuổi) “cầu cứu” là nữ hộ sinh Lương Thị Kim Ngọc. Thấy tình trạng bệnh nhân không ổn, chị Ngọc lập tức cho người bệnh thở ô xy, truyền dịch để giải độc; chạy ra quán nước bên ngoài trạm mua nước chanh nóng, “dỗ” bệnh nhân uống cho khỏi hạ đường huyết. Tình trạng cấp bách, sợ gọi xe cấp cứu của bệnh viện sẽ mất nhiều thời gian, nên chị Ngọc gọi luôn xe chở khách tại địa phương, đưa ngay người bệnh đến Bệnh viện Trung ương Huế. Do xử lý ban đầu kịp thời, nên bệnh nhân tiến triển tốt và hồi phục nhanh, khi được bệnh viện tuyến trên điều trị. Kể về lần tai nạn ấy, bao giờ ông Yên cũng xúc động nhớ ly nước chanh nóng, là tình cảm quan tâm, lo lắng như một người thân của nữ lương y.

Chị Ngọc thì bộc bạch, dù sinh sống ở nơi khác, nhưng 15 năm qua được người dân xã Phú Hải tin yêu nên chị cũng coi bà con nơi đây như một gia đình lớn. Có rất nhiều trường hợp cấp bách cần lên tuyến trên cấp cứu, chị Ngọc là người gọi xe, trả luôn tiền xe cho họ. “Sau này đã hồi phục sức khỏe, họ nhớ thì quay về gửi lại tiền thuê xe. Có những trường hợp nghèo, tôi tặng luôn tiền thuê xe, đồng thời làm cầu nối, xin các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ thêm, để họ có điều kiện thuốc men…”. Chị Ngọc vui vẻ.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …