Có lần người Huế trầm tư trôi theo dòng ký ức của những mùa xưa, chợt bắt gặp bức hình trái dưa gang đã được bạn nghịch ngợm sắp bày vào chiếc mẹt đan bằng tre cùng với chén mắm, chén chao tự làm của cô gái Huế gửi kèm từ sông Hương vào tận xứ Sài thành. Cô bạn nhỏ người Quảng Trị, bám đuôi nhau từ tấm bé đến khi vào đời mới chia lối đi, đứa ngược miền Nam, đứa xuôi về miền Trung.
Thực tình, người Huế (và người không phải ở Huế) lỡ yêu Huế rồi, có biết đâu là bờ là bến. Đi mô rồi cũng tìm đường trở về, dù bôn ba khắp nơi, vẫn chênh chao nhớ thương, đôi khi trở về lại không đành đoạn nhấc gót rời xa Huế. Mà nói nhớ mới ngược dòng thời gian lang thang năm tháng đi qua những con đường, những nơi in dấu chân mình. Người Huế không nhớ Huế thì gửi nỗi nhớ ấy đi đâu về đâu? Ai đó có nói “Nhớ Huế như nhớ người yêu vậy”, chỉ cười cười rồi tự mình nặng lòng nghĩ ngợi, “không phải người Huế có khi còn quắt quay nhớ dù chỉ một lần ghé lại xứ sở này, huống chi…”.
Giờ người Huế cách xa Huế, nghe mùa nhớ hoang mang trong mắt, hình dung mình đi qua chợ Bến Ngự, lướt hàng cá biển, lướt hàng rau dưa quê mùa, ghé hàng mắm, liếc ngang liếc dọc ngó nghiêng sắc màu của khế, chanh, ớt xanh – ớt đỏ. Chưa gì mà người Huế đã mường tượng ra được những món sẽ sắp bày cho bữa cơm trưa cơm chiều giản dị nhưng đủ quyến dụ con mắt thèm thuồng của người ăn. Có bận, nhớ ra, anh con rể xứ Bắc trong bữa cơm, nhìn đĩa cá nục kho quẹt đầy đủ màu mè xanh xanh đỏ đỏ của ớt trái, ớt bột, dặm thêm tí tiêu đen, dù nhăn mặt đó, anh vẫn gắp lấy gắp để tem tém rớt nước mắt vì cay rồi nói, “đúng là lấy vợ người Huế có khác”.
Thôi, nhớ thì nhớ vậy thôi. Cũng bởi vì xa mới nhớ, cũng bởi “gần thường thì xa mới thương” mà. Nói nhớ thì nhớ nhiều thứ lắm, nhiều góc, nhiều ngóc ngách ở Huế lắm. Kể cả con đường Kim Long thênh thang nép bên sông Hương mấy năm liền mà người Huế cuối tuần nào cũng lượn lên căn nhà quen thuộc ấy để ngắm những mùa hoa phong lan rực rỡ, ở lại ăn cùng thầy bữa cơm chỉ có tiếng cười tiếng hát của chàng trai xứ Quảng lấy vợ người Huế rồi quên trời đất, và chỉ còn mùi mắm Huế, vị chua cay ở lại cùng với men say thời trẻ tuổi.
Người Huế đi khắp bốn phương trời, có khi chỉ mơ ngày trở về, mơ ngày đặt chân xuống đất Huế, ngày nhìn thấy con sông thơm được gọi thành tên như một giấc mơ, được mộng ước khi còn là cô nữ sinh trong giai điệu tình si “màu mắt Huế buồn rưng rưng/khiến cho anh suốt đời không quên”…
Người Huế đi đâu rồi cũng chỉ muốn trở về Huế, để ngắm những mùa sương khói trên sông vọng vang tiếng hò đò đưa. Người Huế đi đâu rồi cũng nhớ những món ẩm thực đậm đà hương vị, vừa đủ để yêu thương và nhớ quay quắt. Người Huế là tôi, còn có thêm một mảnh tình với làng chài xa xa quê nội để mơ lại tuổi thơ lần đầu tiên đặt chân xuống cát mùa hè đã nhảy tưng tửng vì nóng, nhưng sau đó thì thích thú chơi trò giấu chân mình xuống cát mãi.
Hôm nào đó, nghĩ trong lòng về xứ mình, người Huế xa quê bất giác nao nao chờ đợi, háo hức ngày gặp gỡ bạn bè, anh chị, mấy đứa em nhỏ tuổi không ruột thịt gì mà yêu thương và lại “nhớ gì như nhớ người yêu” vậy thôi. Đôi khi, trong đời này, vài cuộc gặp gỡ tùy duyên mà thành thân thiết. Đôi khi, trong đời này, chẳng phải tình yêu nam – nữ là thứ tình lớn nhất. Tình bạn, tình đời, tình người, tình nào cũng khiến trái tim con người muốn được bao bọc hết thảy cho vừa thương nhớ.
Mơ xa mơ gần cuối cùng mới biết người Huế chẳng cần phải mơ chi cả, ngoài một bữa cơm giản dị với dưa – cà – mắm ruốc cay xè mùi ớt xanh ớt đỏ, với cá kho quẹt, hoặc tô canh lá me đất chua mùa hè mát ngọt thanh thanh.
Người Huế nên nhớ Huế cũng đâu có gì lạ.
TRẦN BĂNG KHUÊ