Test sàng lọc trẻ có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 trước khi tiêm chủng
Việt Nam bắt đầu triển khai hộ chiếu vắc-xin điện tử từ ngày 20/12/2021. Từ thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc-xin”. Việc triển khai chứng nhận điện tử hộ chiếu vắc-xin được Bộ Y tế thí điểm tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện E. Kết quả triển khai thí điểm cho thấy, hệ thống đã sẵn sàng đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Từ ngày 15/3, Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế nên nhu cầu cấp hộ chiếu vắc-xin của người dân trong thời gian sẽ tăng cao. Hộ chiếu vắc-xin điện tử cũng có giá trị như hộ chiếu vắc-xin giấy, nhưng nó sẽ giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại và giao thương quốc tế. Tại thời điểm hiện tại (24/3), biểu mẫu hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam đã được công nhận với 17 quốc gia.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi
Theo Quyết định 5772, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số. Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật đang được xây dựng theo hướng hoặc cho phép các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số, hoặc tùy tình hình thực tế của địa phương có thể giao cho một cơ quan nào đó làm đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh quyết định.
Bộ Y tế hướng dẫn quy trình chứng thực “Hộ chiếu vắc-xin” được thực hiện qua 3 bước. Bước 1, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Bước 2, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên nền tảng Quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Nền tảng Quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành. Bước 3, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc- xin phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của châu Âu.
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế về cơ sở khám bệnh cho người dân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế (Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế) thông tin: Theo quy trình hiện nay, người dân không phải làm gì cả, quá trình này thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số. Người dân chỉ cần đi tiêm chủng và khai báo thông tin chính xác. Tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng thì sẽ có một mã QR, sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC COVID cũng như ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế phục vụ cho việc kiểm soát khi ta đi ra nước ngoài. Các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm về việc rà soát các thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng và triển khai việc chứng nhận điện tử “Hộ chiếu vắc-xin” có hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tiêm chủng mũi 3 cho người trên 18 tuổi, 2 liều vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả và chính xác, lên kế hoạch chuẩn bị để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Đôn đốc các đơn vị tiêm chủng thực hiện ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị Cục Công nghệ thông tin cần phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc thí điểm để ký số chứng nhận điện tử tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Trong trường hợp cần thiết, tham mưu lãnh đạo bộ chỉnh sửa những quy định liên quan để phù hợp với thực tiễn và kịp thời hướng dẫn cơ sở thực hiện việc ký số chứng nhận điện tử “Hộ chiếu vắc-xin”.
Bài, ảnh: Thu Thủy