Người cựu chiến binh và vết thương xưa

Bà Tuyết “khoe” tấm ảnh thời trẻ

Khi tôi bước vào con ngõ 137 đường Trường Chinh (TP. Huế), trước ngôi nhà số 1 là bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1949), một người phụ nữ phúc hậu, mái tóc ngả màu thời gian đã chờ sẵn. Nếu không biết trước, tôi sẽ không nghĩ người phụ nữ với khuôn mặt tươi sáng này lại là một cựu chiến binh, thương binh loại 3/4.

Cha là liệt sĩ, ông được tặng Huân chương Độc lập hạng 3; mẹ là thương binh 2/4 từng được tặng Kỷ niệm chương cho những năm tháng bị lao tù. Năm 15 tuổi, cô bé Lê Thị Tuyết tiếp nối truyền thống gia đình, tham gia vào kháng chiến chống Mỹ và nhanh chóng trưởng thành. Chức vụ đầu tiên là Đảng ủy viên, Phó Bí thư Xã đoàn, Phó ban An ninh xã Phú Hồ (huyện Phú Vang). Hoạt động cách mạng được 5 năm, vào tháng 1/1969, bà Tuyết bị địch bắn bị thương và bắt làm tù binh, bị giam giữ tại Trại giam nữ tù binh Phú Tài (Bình Định).

Nhớ lại về Trại giam nữ tù binh Phú Tài, người cựu chiến binh xưa khẽ rùng mình. Bà nhớ những trò tra tấn độc ác của quân địch đối với những cô gái trẻ để ép họ phản bội đồng chí, đồng bào, phản bội lại lý tưởng họ đã chọn. Nhưng như những bạn tù quật cường khác, cô gái trẻ Lê Thị Tuyết ngày đó đã trải qua những đòn tra tấn dã man của quân địch, người đầy thương tích nhưng không khai nửa lời.

20 tuổi, bà Tuyết nhớ lại lần sợ hãi nhất của mình là bị nhốt vào “chuồng cọp”. Đó là một lồng giam thấp, bao quanh là dây thép gai, ngồi và nằm đều không được, cựa quậy sẽ bị kẽm gai móc rách thịt da. “Mỗi ngày, chúng chỉ cho một nắm cơm với muối, không có nước uống, tôi và bạn tù phải thò tay ra hàng rào, nơi có mương nước chảy qua, dùng tay thấm nước lên môi. Bị nhốt như thế suốt 12 ngày mới được trả về phòng giam”. Chịu khổ sở, đau đớn là thế, vậy mà người chiến sĩ Lê Thị Tuyết và các bạn tù quyết tâm không phản bội Tổ quốc. Bà bị giam cho đến khi hiệp định Paris được ký kết và được trao trả.

Sau khi đất nước thống nhất, bà tiếp tục cống hiến cho cách mạng và trải qua nhiều chức vụ như Bí thư chi bộ xã Phú An (Phú Vang), Bí thư chi bộ xã Phú Dương (Phú Vang), Bí thư Đảng ủy phường Trường An (TP. Huế), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Huế, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Huế… Ngày 1/7/2004, người cựu tù, người phụ nữ đã trải qua nhiều năm đóng góp cho Tổ quốc Lê Thị Tuyết chính thức nghỉ hưu. Bà hiện sống với người con nuôi tại TP. Huế.

Vào tháng 11/ 2011, bà Lê Thị Tuyết trở thành Chủ tịch của hội đặc thù – Hội Tù yêu nước thành phố Huế, hoạt động chủ yếu là thăm hội viên ốm đau, viếng tang hội viên, thỉnh thoảng đi thăm lại chiến trường xưa. Với bà, hội là nơi những cựu tù binh gặp gỡ, cùng nhau nhớ lại những câu chuyện xưa và san sẻ cuộc sống hiện tại.

Bà Tuyết tâm niệm, hội “là nơi” viết tiếp những ngày tháng cuộc đời sao cho ý nghĩa cùng với những người bạn tù đã trở thành yêu thương hơn cả người thân bởi những chia xẻ đắng cay xưa lẫn ngọt bùi cay đắng hôm nay.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …