Tòa Công sứ Thừa Thiên (Dieulefils). Ảnh: TL
Nhận diện vấn đề từ bối cảnh lịch sử
Từ vai trò Kinh đô nhà Nguyễn, Huế được kiến tạo thành một tuyệt tác đô thành cổ điển phương Đông điển hình, lấy sông Hương làm mặt tiền hội tụ nhiều giá trị quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, văn hóa… Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp từng bước nhận ra, đặc biệt tôn trọng Kinh thành ở bờ Bắc để đô thị hóa vùng ruộng đồng bờ Nam sông Hương, biến đất đai các làng Dương Xuân, An Cựu, Dương Phẩm… trở thành khu phố Tây tân tiến. Ngoài những khu nhà vườn nhà rường truyền thống nổi danh, xứ Huế được bổ sung nhiều biệt thự Pháp quý phái, mang chức năng công sở lẫn tư dinh (Đông Dương, Trung Kỳ, Thừa Thiên), đặc biệt trên tuyến đường Jules Ferry (nay là Lê Lợi), Chaigneau (Lý Thường Kiệt), Khải Định (Nguyễn Huệ), Route Mandarine (Hùng Vương). Đáng tiếc là qua bao biến thiên của lịch sử, di sản kiến trúc thuộc địa bị mai một nhiều do thiếu điều kiện duy tu bảo dưỡng, nhận thức, định vị giá trị qua các thời kỳ… nên phổ biến sự thay thế, rất ít công trình được cộng sinh, tái hiện, trùng tu như trường hợp Đại học Huế, Khách sạn 5 Lê Lợi, Trường Quốc Học, Trường Hai Bà Trưng, Khách sạn Morin, Tòa Công chánh (25 Lê Lợi)…
Muốn đánh giá, định vị tọa độ di sản, cần có những tiêu chí, khái niệm cụ thể, chặt chẽ, rồi mới khoanh vùng đối tượng để khảo sát, gắn liền bối cảnh không gian, thời gian cụ thể. Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế từng khảo sát, đánh giá các công trình “kiến trúc Pháp”, tiếc là chúng tôi chưa biết cụ thể quá trình triển khai, hồ sơ tài liệu…, chỉ biết kết quả công bố giới hạn trong 27 công trình.
Từ khái niệm, cần nhất quán thuật ngữ “công trình kiến trúc thuộc địa” (Architecture coloniale – thời Đông Dương thuộc Pháp) hay “các công trình phong cách kiến trúc thuộc địa (Pháp)” (có thể mở rộng ra các công trình mới sau này được xây dựng theo phong cách đặc hữu đó). Từ đó, đối tượng khảo sát mới cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng nhầm lẫn khái niệm, không thống nhất tiêu chí.
Định vị giá trị một di sản
Giá trị di sản của một công trình được thể hiện ở các khía cạnh: (1) lịch sử, (2) kiến trúc – mỹ thuật và (3) công năng sử dụng, trong những bối cảnh lịch sử cụ thể và cũng có thể xuyên thời gian nếu tổng hòa các giá trị có tính vĩnh cửu, được chính thức thừa nhận, theo góc độ quản lý Nhà nước, bằng một văn bản hành chính. Qua bao biến thiên của điều kiện lịch sử – chính trị – xã hội, các giá trị di sản đó có thể bị xói mòn, mất đi hay tiếp tục được phục hưng để sống mãi, hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ, quan điểm và thế ứng xử trước di sản của chủ thể di sản và các cơ quan quản lý nhà nước về di sản đó.
Từ danh mục 27 công trình “kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế” (Quyết định số 1152/QĐ-UBND ngày 30/5/2018 của UBND tỉnh), ngôi nhà 26 Lê Lợi cần xem xét các giá trị lịch sử (xưa nay là công trình gì, gắn liền sự kiện, nhân vật lịch sử, có vai trò như thế nào…), giá trị kiến trúc – mỹ thuật (có gì tiêu biểu cho phong cách kiến trúc thuộc địa, nghệ thuật và biểu tượng trang trí) và giá trị sử dụng (trụ sở, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa…), trước nay ra sao, ở mức độ nào? Cần trả lời những câu hỏi đó để định vị tọa độ của di sản. Theo chúng tôi, từ một tư dinh của một công chức Pháp, về sau có khả năng là trụ sở Tuần báo Sông Hương những năm 1936-1937, gắn liền những nhân vật lịch sử nổi tiếng Phan Khôi, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Xây dựng hồ sơ di sản với đầy đủ tư liệu (văn bản, hình ảnh) mới có thể khẳng định giá trị của di sản, ở khía cạnh nào, mức độ nào, có cần thiết để trùng tu, phát huy giá trị cho phù hợp hay phá bỏ đi khi không thể, không có điều kiện bảo tồn…
Thế ứng xử trước di sản
Có thể thấy tỉnh mời “thần đèn” di chuyển công trình này là một quyết định quá táo bạo trong bối cảnh hiện nay: điều kiện kỹ thuật (trước và sau di dời, vấn đề trùng tu, tái thiết), tài chính, quỹ đất mới, công năng sử dụng… Giá như quyết định này nằm trong một chiến lược bảo tồn và phát triển quỹ di sản kiến trúc truyền thống nói chung và thời thuộc địa nói riêng thì đây thực sự là một điều tuyệt vời, nhưng quả thực, tất cả vẫn nổi rõ tính cá biệt và thiếu sức thuyết phục khi chưa đưa ra các luận chứng, luận cứ xác thực cho giá trị lịch sử, kiến trúc mỹ thuật và công năng sử dụng.
Từ đây lại đặt ra vấn đề giữ gìn hay xóa bỏ một công trình, tùy thuộc vào việc khẳng định nó có còn giá trị hay không, trên ba khía cạnh đó. Khi đủ luận chứng, luận cứ bảo tồn, gìn giữ thì phải giải quyết câu chuyện trùng tu tôn tạo. Đây là câu chuyện nan giải bởi hiện nay, về mặt kỹ thuật thì các công trình đó đều bị xuống cấp, hết hạn sử dụng, liệu có đủ kinh phí, kỹ thuật để gia cố, trùng tu tôn tạo và giá trị sử dụng của nó có phù hợp, xứng tầm hay không? Nếu không đáp ứng được thì phải phá bỏ công trình. Lúc đó, công trình mới thay thế phải đảm bảo cả về hình thức (phong cách kiến trúc xây dựng) lẫn nội dung (chức năng hoạt động) sao cho hài hòa với không gian đặc hữu của con đường Lê Lợi.
Ở đây là cần công khai bộ hồ sơ di sản với những giới hạn, phạm vi và tiêu chí khảo sát, đánh giá… cũng như quá trình khảo sát, xây dựng hồ sơ di sản, đủ các cơ quan, ban ngành hữu quan, các nhà nghiên cứu và cả người dân quan tâm. Giữ gìn một công trình xưa cũ hay đập bỏ nó để xây dựng nên một công trình mới, đều là khả năng có thể nếu có lý. Vấn đề đặt ra là tiêu chí công ích, cả trước mắt lẫn lâu dài, hoàn toàn tùy thuộc vào cơ sở luận chứng, luận cứ của bộ hồ sơ thuyết minh, mà các bên liên quan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, từ chủ thể đang sử dụng di sản cho tới các cơ quan quản lý di sản. Có như vậy, chúng ta tự tin tiến hành, tái tạo nên nhiều hệ giá trị mới phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa Huế.
Trần Đình Hằng