Nghiên cứu về vua Hàm Nghi là sứ mệnh cần phải làm

TS. Amandine Dabat

Chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, TS. Amandine Dabat khẳng định: “Với tư cách là một hậu duệ của vua, tôi cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ được hoàn thành khi mà tôi có thể mang được nhiều nhất có thể các tác phẩm nghệ thuật của vua, cũng như các kỷ vật của vua và đặc biệt là hài cốt của vua về Việt Nam”.

Thưa cô, cô có thể chia sẻ cảm xúc trong chuyến trở về thăm Huế – cội nguồn tổ tiên của mình?

Tôi rất vui mừng khi quay trở về Việt Nam. Là một hậu duệ của vua, tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi được trở về và tôi còn xúc động hơn nữa khi lần đầu tiên được tham dự lễ giỗ vua Hàm Nghi, cũng như khai trương không gian trưng bày triển lãm, giới thiệu cuộc đời của vua Hàm Nghi tại Huế.

Nơi chốn cô thấy xúc động khi đặt chân đến là đâu?

Thực sự tôi rất xúc động khi bước chân vào Đại Nội, vì đó là nơi mà ngày xưa các vị tổ tiên của tôi từng sống. Tôi cũng khá là buồn vì rất nhiều di tích đã bị hư hỏng. Đồng thời, cũng cảm thấy rất ấn tượng các di tích được tu bổ và bảo tồn đến hôm nay.

Có chủ đề mà giới văn hóa vô cùng quan tâm đó là di sản nghệ thuật của cựu hoàng Hàm Nghi để lại. Hậu duệ và là người nghiên cứu chuyên sâu về di sản này, cô có thể chia sẻ đôi điều về di sản của vua Hàm Nghi cho mọi người được biết?

Điều quan trọng nhất về di sản mà vua Hàm Nghi để lại theo tôi là những tác phẩm nghệ thuật. Quá trình tìm hiểu cũng như làm luận án về ngài, điều mà tôi làm nhiều nhất chính là tìm lại những người đã sở hữu những tác phẩm của vua trước đây. Rất nhiều tác phẩm ấy đã được ông tặng lại cho các gia đình, bạn bè. Công việc của tôi là tìm lại các tác phẩm đó để có thể có một cái nhìn tổng thể về di sản mà ông đã để lại cho hậu thế.

TS. Amandine Dabat tại không gian trưng bày về vua Hàm Nghi tại Huế. Ảnh: TRANG HIỀN

Thực tế rất nhiều tác phẩm của ông đã biến mất sau một vụ cháy nhà đầu năm 1960. Vì thế chủ yếu các tác phẩm mà chúng ta biết ngày hôm này là các tác phẩm mà ông tặng lại cho bạn bè, người thân. Tôi phỏng đoán vua từng sáng tác hơn 1.000 tác phẩm, tuy nhiên hiện nay số tác phẩm còn lại chỉ vào khoảng 100.

Là con cháu nhà vua, có lẽ việc nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn những người khác, phải không thưa cô?

Một trong những thuận lợi lớn nhất của tôi khi nghiên cứu về vua Hàm Nghi là rất nhiều thư từ liên lạc với bạn bè của ông, đều được ông viết bằng tiếng Pháp. Theo tôi được biết, có khoảng 80 trong tổng số 2.500 tài liệu vua để lại được viết bằng chữ Nho, còn lại đều được viết bằng tiếng Pháp.

TS. Amandine Dabat trao tặng chiếc tẩu của vua Hàm Nghi cho Huế

Khó khăn lớn nhất đối với tôi đó là khi tìm tư liệu, thông tin trong khoảng 3 năm cuối vua ở Việt Nam và trong thời gian diễn ra phong trào Cần Vương. Giai đoạn này các tư liệu ở Pháp không có thông tin gì nhiều và rất mơ hồ, thậm chí họ còn nghĩ rằng vua đã mất.

Được biết, năm 2019, cô đã xuất bản tại Pháp cuốn sách về vua Hàm Nghi. Và tôi được biết, cô cũng đang cho dịch cuốn sách này sang tiếng Việt. Vậy việc này đã triển khai đến đâu, thưa cô?

Cuốn sách của tôi được xuất bản năm 2019 và nó là sự rút gọn từ luận án tiến sĩ mà tôi đã thực hiện. Cuốn sách đang được một chuyên gia dịch toàn bộ sang tiếng Việt và sẽ được ra mắt trong vài tháng nữa. Tôi cũng tin tưởng cuốn sách này sẽ sớm ra mắt bạn đọc tại Việt Nam.

Giới nghiên cứu ở Việt Nam đã từng đề xuất Bảo tàng Mỹ thuật Huế nên tìm cách sưu tập tác phẩm của Tử Xuân (tức vua Hàm Nghi). Cô nghĩ sao về đề xuất này?

Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của tôi có một tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi đã được một người giấu tên tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Tôi rất vui mừng khi tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi được trở về Việt Nam. Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm của vua Hàm Nghi được mang về hơn nữa.

Bản thân tôi, trong lần này tôi cũng tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế chiếc tẩu mà vua từng sử dụng. Tôi tin rằng, ngoài việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cũng như những hiện vật của vua Hàm Nghi sẽ mang đến cho mọi người thêm những cơ hội tìm hiểu về vua. Tuy nhiên, khả năng có thêm tác phẩm hội họa cũng như những hiện vật liên quan đến vua Hàm Nghi thì chưa nói trước được. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức trong tương lai để có thể làm việc này.

Cô có thể nói rõ hơn về chiếc tẩu mà mình đã tặng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế trong dịp này?

Chiếc tẩu này được vua mang từ Việt Nam sang Algeria khi bị lưu đày. Chiếc tẩu được lưu giữ trong gia đình tôi qua nhiều thế hệ. Và sau đó tôi được tặng lại trong quá trình làm luận án tiến sĩ.

Chiếc tẩu này đã theo tôi trong suốt những năm tháng tôi nghiên cứu về vua Hàm Nghi. Nó được tôi đặt trên bàn làm việc một cách trang trọng. Và khi quyết định tặng lại chiếc tẩu này tôi thấy đó là việc làm ý nghĩa với người dân Việt Nam. Tôi rất là vui vì điều này!

Ngoài hồi hương tác phẩm, hiện vật, cô nghĩ sao về việc đưa thi hài vua Hàm Nghi về Huế?

Khi vua Hàm Nghi mất, ông có tâm nguyện được chôn cất ở Việt Nam. Vợ và con gái lớn của ông cũng mong muốn điều này, nhưng khi đó Việt Nam đang có chiến tranh, nên không thể thực hiện được di nguyện.

Sau đó, thế hệ bà cố tôi lại mong muốn thường xuyên đến thăm mộ tiên đế nên quyết định vẫn để mộ tiên đế ở Pháp.

Đến thế hệ bà ngoại tôi cũng thế. Riêng bản thân tôi, tôi mong muốn có thể hồi hương hài cốt của vua về Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chúng ta phải đợi đến đến hết thế hệ của bà cố, bà ngoại tôi mới có thể nói tiếp được, bởi lẽ hiện tại việc này vẫn do những người ấy quyết định.

Sau rất nhiều nghiên cứu về vua Hàm Nghi, cô ấn tượng nhất điều gì về ông, cũng như những dự định mà cô tiếp tục theo đuổi?

Về tương lai thì tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm lại những tác phẩm của vua tặng cho bạn bè ông. Có thể hậu duệ của những người được tặng đang kế thừa những tác phẩm ấy, nhưng họ không hề biết đó là tác phẩm của vua Hàm Nghi tặng.

Với tôi điều quan trọng nhất đó là, làm sao để những người đang sở hữu các tác phẩm đó nhận thấy được đây là tác phẩm của một vị vua của Việt Nam. Đồng thời, tôi cũng muốn tiếp tục việc quảng bá, giới thiệu vua Hàm Nghi với tư cách là một nghệ sĩ để nhiều người biết hơn nữa. Với tôi, tư cách nghệ sĩ của vua Hàm Nghi cũng như nghệ thuật là một phần rất quan trọng trong cuộc đời của vua và tôi muốn nhiều người biết đến khía cạnh này.

Điều mà tôi ấn tượng nhất trong quá trình nghiên cứu về vua chính là sự bền bỉ, sự can trường của vua khi đối mặt với rất nhiều sự đau khổ khi phải rời xa quê hương của mình. Tôi nghĩ rằng, những phẩm chất nhân văn như thế chính là điều làm tôi ấn tượng nhất sau khi càng đọc và càng tìm hiểu những tài liệu về vua. Và cái từ mà tôi hay tìm thấy khi đọc những bức thư mà bạn bè của ông viết về ông đó là “nhân cách” của ông.

Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!

Phan Thành (Thực hiện)

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …