Nỗ lực phát triển gia trại của anh Duy được đền đáp xứng đáng
Thăng trầm
Khi còn là học sinh cuối cấp trung học cơ sở, cậu học trò Nguyễn Ngọc Duy không may bị tai nạn. Mất đi thị lực hoàn toàn trong 2 năm liền, trải qua quá trình kiên trì chạy chữa, thị lực của Duy mới hồi phục lại 20%. Anh kể: “Sau khi bị tai nạn, tôi tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù (HNM). Trong hơn 16 năm qua, được Tỉnh hội và Huyện hội tạo điều kiện, tôi đã học được rất nhiều kiến thức từ các lớp học nghề như massage phục hồi sức khỏe, lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, lớp sản xuất hương”.
Sau khi học xong nghề massage, anh Duy vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4. Hai năm gắn bó với công ty cũng là quãng thời gian ổn định khi anh có nguồn thu nhập đều đặn. Nhưng với khao khát tìm kiếm thêm những trải nghiệm mới, anh quyết định nghỉ việc, bôn ba khắp nơi để vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa định hình hướng khởi nghiệp cho tương lai.
Đi nhiều và học hỏi nhiều, anh nhận ra không gì có thể thay thế cho hai từ quê hương. Sau khi lập gia đình, quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà càng trở nên cháy bỏng. Năm 2016, anh vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ quốc gia về việc làm. Với kinh nghiệm từ các khóa học, Nguyễn Ngọc Duy đầu tư vào chăn nuôi. Sau 3 năm cần mẫn xoay vòng, lúc cao điểm trại gia súc của gia đình anh có số lượng lên đến 120 con lợn thịt, lợn nái.
Những tưởng khó khăn đã dần qua, nhưng vào năm 2019, khi “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi càn quét, cơ ngơi mất bao công sức gây dựng của vợ chồng anh không cánh mà bay. Rưng rưng cầm trên tay 100 triệu đồng tiền hỗ trợ, phần trả nợ, phần trả chi phí thức ăn chăn nuôi. Đồng lương công nhân của chị Nguyễn Thị Hương, vợ anh lúc ấy chỉ đủ gồng gánh chi phí ăn ở, nuôi hai con nhỏ. Còn lại bao nhiêu, anh dốc hết tất cả vốn liếng vào mua bò giống và trồng cây ăn quả lâu năm, quyết tâm không để cho đất nghỉ.
Vươn lên
Trong khu vườn xanh um cây trái, anh Duy chỉ cho chúng tôi những tán bưởi đỏ, bưởi da xanh. Chẳng hề dễ dàng để những loại cây ăn trái lâu năm bám trụ được trên khu đất từng rất cằn cỗi ở xã Phong Bình này. Khi chưa có đôi tay chăm chỉ cày cuốc của anh, khu đất trên chỉ là trảng cát lưa thưa những lùm cây bụi. Anh nói: “Sau khi tiêu hủy đàn lợn bao năm trời chắt chiu gây dựng, tôi tập trung công sức vào chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò đã tăng số lượng lên 12 con. Nếu không có nguồn phân bò để vun bón thì đừng nói đến cây ăn quả, ngay cả khoai lang hay sắn cũng khó phát triển”.
Hiện nay, vườn cây ăn quả của anh đang có trên 50 gốc, đàn bò phát triển ổn định. Hàng năm, thương lái đến tận vườn của anh thu mua bưởi đỏ. Năm nay, do thời tiết thay đổi thất thường, bưởi đỏ mất mùa, anh Duy cố gắng tập trung vào những công việc khác, tiếp tục lấy ngắn nuôi dài để năm sau những gốc bưởi lại cho quả ngọt.
Nhận xét về nghị lực vượt khó vươn lên của anh, ông Nguyễn Nhân Đức, Chủ tịch HNM huyện Phong Điền, cho biết: “Ngoài phát triển kinh tế ổn định, anh Nguyễn Ngọc Duy còn không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng nghề massage. Với nỗ lực ấy, những thành quả mà anh đạt được là vô cùng xứng đáng và là tấm gương sáng để các hội viên khác noi theo”.
Bài, ảnh: Mai Huế