Những ngày này, hoa gạo đã “thắp lửa” ở nhiều nơi trong thành phố. Từ hành lang nơi tôi làm việc, có thể ngắm khá trọn vẹn cây hoa gạo nhưng tôi thật sự cũng chưa bao giờ đứng thật lâu ngắm hoa, chỉ duy nhất lần đầu tiên khi nghe một đồng nghiệp ngỡ ngàng “Ui chao, cây hoa gạo trong khuôn viên cơ quan mình nở đẹp quá” thì cũng chạy ra xem sao, rồi thôi, lòng cứ hẹn, cây còn đó, hoa còn đó, khi nào rảnh thì ngắm thôi. Nhưng hoa nở có mùa và người có lòng mới chờ đợi hoa. Thiệt tình, tôi chưa có lòng chờ đợi hoa gạo. Trong tôi chỉ có nào mai, hồng, phượng, nào hoa khế, hoa ổi, hoa bắp, cỏ gà… chưa có không phải vì không yêu, không thích mà là vì chưa có kỷ niệm“đính kèm” trong ký ức…
Tháng ba, mùa hoa gạo. Ảnh: Đình Thắng
Cho đến sáng nay khi nhìn thấy thảm hoa gạo đỏ nằm thảnh thơi đón ánh nắng mặt trời, tôi ngạc nhiên “những cánh hoa rơi sao mà đẹp mơ màng, đẹp dịu dàng đến vậy, thiệt là chỉ muốn nằm lăn trên thảm hoa ấy”. Hoa gạo đó, những bông hoa năm cánh, khá to và dày, hoa đã rụng khi nào, đêm qua hay sáng nay mà màu đỏ cam vẫn còn nồng nàn trên đất, vẫn còn một sắc tươi đủ làm nao lòng người. Chân tôi bước chậm lại thầm cảm ơn duyên may được gặp cảnh đẹp này, được ngắm thật gần sắc đỏ cam để thắc mắc sao tên là “gạo” mà không có gì gợi đến hạt gạo, thân cây cũng chẳng có gì liên tưởng đến hình ảnh cây lúa mềm mại, chắc có lẽ tên hoa là ước mơ no ấm, lúa gạo đầy nhà như trong chuyện cổ tích “Anh em Nhà Gạo” mà tuổi nhỏ tôi từng say mê.
Tháng Ba, Huế đã qua những ngày mưa gió lạnh lẽo, trời xanh mây trắng cao vời vợi, tôi ngước nhìn lên cây, những bông hoa lơ lửng trên cao như những đốm lửa nhỏ, tự nhiên nhớ câu hát “Ngày em thắp sao trời, chờ trăng gió lên khơi” câu hát quá lãng mạn và nâng niu người yêu của nhạc sĩ Lê Uyên Phương hồi ấy đã thổi vào tâm hồn chúng tôi bao xốn xang. Còn nhớ trong một giờ giảng văn, thầy giáo đã dạy chúng tôi rằng “học cách nâng niu một cành hoa, các em sẽ cảm được những vẻ đẹp ẩn dấu trong đó, dù là hoa dại hay hoa hồng, sắc đẹp là công bằng” nhưng chúng tôi đâu hiểu hết lời thầy, đẹp cũng phải có đẹp nhiều, đẹp ít, đẹp hơn, đẹp thua chớ. Nghe những lời cãi cọ của chúng tôi nhưng thầy chỉ mỉm cười.
Cùng có một sắc màu đỏ cam rực rỡ nhưng không hiểu sao hồi đó chúng tôi chưa biết nhiều về hoa gạo, chỉ “riêng một sắc phượng” mà thôi. Trong lớp, những buổi học cuối cùng chuẩn bị cho ngày rời xa tuổi trung học phổ thông nhiều mơ mộng, chúng tôi lo “cày” bài ở nhà để dành thời gian ở lớp bên nhau. V.T – cây guitar của lớp, ôm đàn đi học, giờ ra chơi hay tiết nào trống là cả bọn lại xúm xít đàn, hát, nó đáng yêu đến nỗi có ngày cả bọn hát xuyên trưa dưới tán cây trong trường, kéo thêm nhiều bạn bè ở các lớp khác nhập hội. Những ngày ngắn ngủi ấy chúng tôi dệt vào tâm hồn và ký ức của nhau hình ảnh những đốm lửa trên cao gợi cả một trời mơ ước như V.T chia sẻ “những loài hoa có sắc màu rực rỡ, thuộc tông nóng là những loài hoa truyền năng lượng tích cực mạnh mẽ nhất, mình yêu thích tất cả”. Cũng như tôi hồi ấy, V.T chưa biết hoa gạo.
Cùng sắc màu như hoa gạo, hàng cây sò đo cam ở đường Lý Thường Kiệt qua mấy mùa “ngàn cây thắp nến lên hai hàng” (Trịnh Công Sơn) cũng đang vào hội khoe sắc cam đỏ tươi mới. Đi trên phố, có lúc tôi cũng nghĩ mình đang đi giữa hai hàng nến, đang đi trong ngày hội vui của thiên nhiên mà lòng thán phục “những nhạc sĩ thiệt là tài hoa, họ vẽ vào lòng người bức tranh thiên nhiên thật là dịu dàng”, đã truyền ngọn lửa trên cao ấy vào lòng bao người thành một nguồn sống yêu đời mạnh mẽ. Chụp “nghệ thuật” nhất những bức ảnh hoa gạo gửi cho người bạn cùng lớp 12 năm nào, ngay lập tức một icon trái tim to đùng đính kèm “đẹp rực rỡ cho đến phút chót hí, mình vẫn đang “thắp sao trời” ở miền cao nguyên đây, nhớ Huế và thương lắm những màu hoa của tụi mình”.
Tôi ngồi trước sân, ngắm những cánh hoa màu đỏ cam, biết rằng bây giờ trong tôi đã có thêm sắc màu của hoa gạo, tự nhiên tôi ngân nga “ngày em thắp sao trời” lòng dịu lại theo kỷ niệm những năm tháng xưa.
Xuân An