“Nâng chất” cho hoạt động đo lường

Cần phương tiện đo chính xác, chuẩn các thông số khi kiểm định phương tiện vận tải

Còn nhiều khó khăn

Đo lường là lĩnh vực khoa học – kỹ thuật chính xác, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh (SXKD), nghiên cứu xã hội, an ninh – quốc phòng.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn DN đang hoạt động SXKD; trong đó nhiều DN, cơ sở sản xuất sử dụng phương tiện đo (PTĐ), chuẩn đo lường phong phú về chủng loại. PTĐ được chia làm 2 nhóm, như PTĐ của các DN để nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất (nhóm 1). Số DN có PTĐ để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn vệ sức khỏe cộng đồng và các hoạt động công vụ khác (nhóm 2).

Theo khảo sát mới đây của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), số lượng PTĐ nhóm 2 trên địa bàn tỉnh tham gia vào hoạt động SXKD có khoảng 800 nghìn phương tiện, như công tơ điện, đồng hồ nước, cột xăng xăng dầu, may mặc…

Việc quản lý PTĐ trong các DN thực hiện theo đúng quy định. Hơn 70% PTĐ có sổ sách theo dõi và được kiểm tra định kỳ, thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn theo chu kỳ, điển hình như Công ty CP Cấp nước, Chi nhánh Công ty Thí nghiệm điện miền Trung tại Huế, Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và Thông tin khoa học Thừa Thiên Huế…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều DN có PTĐ gặp một số khó khăn do chưa tìm được tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn theo định kỳ. Trong số này phải kiểm nghiệm, hiệu chuẩn tại các đơn vị ngoại tỉnh.

Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện nay ở Thừa Thiên Huế chưa có tổ chức, đơn vị đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực kiểm định hiệu chuẩn đo lường, phục vụ hoạt động SXKD của DN, ngoại trừ Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và Thông tin khoa học (Sở KHCN). Đây là hạn chế và rào cản dẫn đến có trên 50% PTĐ thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải, sản xuất vật liệu, y tế, bia, thực phẩm đông lạnh được kiểm định, hiệu chuẩn tại các tổ chức ngoài tỉnh.

Nhiều DN hiện nay mong muốn được hỗ trợ mở các lớp tập huấn, đào tạo công nhân, cán bộ kỹ thuật kỹ năng sử dụng các PTĐ tại nơi như: hiệu chuẩn cân kỹ thuật, cân phân tích, cân bàn và thước đo chiều dài, thước kẹp…. Đồng thời, đào tạo, hỗ trợ DN tự kiểm tra tính chính xác và độ tin cậy thông số thiết bị, PTĐ; cách đọc các thông số… để giảm chi phí, thời gian do phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn ở các đơn vị ngoại tỉnh.

Cần giải pháp đồng bộ

Mới đây, trong một hội thảo thúc đẩy hoạt động đo lường trong SXKD của các DN tại TP. Huế, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) đánh giá cao vai trò quản lý của ngành chức năng địa phương thời gian qua. Tuy vậy trong giai đoạn hiện nay, với quan điểm của Chính phủ và bộ ngành Trung ương, Thừa Thiên Huế phải hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của DN, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện nay ở Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Sở KH&CN sẽ tham mưu ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển công nghệ sản xuất PTĐ, chuẩn đo lường, hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp hoặc hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất PTĐ, chuẩn đo lường. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng đo lường, ngoài sự quan tâm cơ chế chính của Nhà nước, phải huy động các nguồn lực; trong đó có xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu của DN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay. Trước mắt, trong năm 2022 phát triển 2-3 tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm PTĐ, chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu DN

Ngoài các yếu tố trên, Sở KH&CN chỉ đạo các đơn vị liên quan phát huy vai trò công tác thanh, kiểm tra đối với PTĐ, tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin, bảo đảm có đầy đủ thông tin về các loại PTĐ đang sử dụng trong DN. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận về đo lường. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng PTĐ tại DN, Chi cục Đo lường chất lượng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, khuyến khích các DN đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức quản lý, sử dụng PTĐ đo áp dụng công cụ, phần mềm quản lý nhằm nâng cao hoạt động, tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực…

Bài, ảnh: Minh Văn

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …