Người dân đầm Chuồn mưu sinh. Ảnh: Th. Anh
Quả thực là một tin rất vui đối với du lịch Huế.
Nhân đây cũng xin kể một câu chuyện “người thật việc thật”.
Cách đây mấy ngày, có một nhóm du khách người Hà Nội, là những bạn trẻ lưu trú tại một homestay ở Huế. Rơi vào những ngày cuối tuần, nhu cầu dịch vụ xe máy tăng cao nên thị trường chưa đáp ứng tốt. Các bạn muốn đón bình minh trên đầm phá. Thế là gia chủ homestay thông báo lúc 4h sáng mai, các bạn chuẩn bị để được đưa bằng ô tô về đầm Chuồn đón bình minh. Do được kết nối từ trước nên về đầm Chuồn có người bản địa chèo thuyền đưa các bạn ra đầm phá. Sau khi thanh toán tiền để rời khỏi Huế, các bạn tỏ ra rất ngạc nhiên là tất cả chuyến đi đều không thu phí.
Đã kinh doanh, có thể nói mục tiêu tối quan trọng là lợi nhuận, tại sao chủ homestay chủ động đưa các bạn đi bằng ô tô và cả người dân sở tại địa phương đều không lấy đồng nào, có phải là “phi nguyên tắc kinh doanh” !? Đem thắc mắc này đi hỏi thì được câu trả lời dưới đây:
Chủ homestay: Thực ra mình không thể làm như vậy “cả đời” được nhưng có thể sẵn sàng làm trong những trường hợp cần thiết. Trường hợp cần thiết ở đây là đáp ứng được nhu cầu của du khách trong mọi trường hợp. Có thể tốn kém một ít thời gian và chi phí nhưng những gì thu lại được không quy ra bằng tiền nhưng cũng đáng kể: Làm cho khách hài lòng; tỏ rõ được sự thân thiện mến khách; có thể hành động này sẽ gián tiếp làm truyền thông quảng bá. Và gì nữa? Chính chủ homestay cũng có một dịp trải nghiệm bình minh trên đầm phá. Nếu khách ở lại dài ngày hơn thì sẽ thu được tiền lưu trú để bù đắp những chi phí đã bỏ ra. Trong trường hợp này, có thể nói không phải mất mà được, thậm chí là được nhiều hơn. Một cách kinh doanh không hề phi kinh tế!
Còn người dân bản địa chèo thuyền? Anh trả lời, anh sống ở đây nhưng nghề chính không phải là kinh doanh mà làm việc ở lĩnh vực truyền thông. Những người làm dịch vụ ở đây như kinh doanh hàng ăn bánh xèo cá kình là người hàng xóm và bà con. Trong lúc thuyền rảnh rỗi, anh mượn chừng tiếng đồng hồ cũng không mất gì, chỉ mất một ít công sức. Mà cái được, anh bạn đã thấy: vui tươi, người quen bán được bánh xèo. Và biết đâu các bạn về Hà Nội sẽ giới thiệu nhiều người nữa biết đến đầm Chuồn. Như thế, đầm Chuồn có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Quả là một cách nghĩ không hề phi kinh tế, thay vì lấy ngay dịch vụ 200 – 300 ngàn đồng.
Đây là những ví dụ cụ thể về lòng hiếu khách.
Và lòng hiếu khách có thể phổ biến hơn, trong nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều trường hợp để có đánh giá từ 232 triệu khách du lịch để Huế lọt vào tốp 10 những điểm đến du lịch hiếu khách của Việt Nam. Điều này cũng đáng để tự hào. Không có lòng tốt sẽ không có lòng hiếu khách. Không có một cách nhìn rộng lượng, vì cả môi trường cộng đồng xã hội… cũng khó có thể có lòng hiếu khách. Những tố chất này, người dân Huế cần xem như là một vật quý để gìn giữ và phát huy. Biết đâu được từ mỗi năm đón 5 triệu khách, Huế sẽ đón một lượng khách nhiều hơn từ những tố chất này. Người ta thường bảo tiếng lành đồn xa là vậy.
Đó là niềm vui riêng của Huế. Nhưng Huế còn có một niềm vui nữa, đó là những “bạn bè lân cận” cũng lọt vào tốp 10 điểm đến hiếu khách của Việt Nam, gồm Phong Nha, Đồng Hới (Quảng Bình); Hội An (Quảng Nam). Đây là một điều kiện tuyệt vời để kết nối các di sản thế giới: Huế – Hội An, Huế – Quảng Bình và Hội An – Huế – Phong Nha.
Du khách đến các địa điểm này của miền Trung chẳng những được nhìn ngắm các di sản thế giới mà còn khám phá nhiều điều khác nữa: Văn hóa bản địa, ẩm thực vùng miền; cảnh quan thiên nhiên… hết sức phong phú.
Có một câu ngạn ngữ, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi với nhiều người. Ba trọng điểm du lịch Trung Trung Bộ có thể kết nối từ đây.
Nguyên Lê