Khảo sát địa điểm “Hóc Mụ Bồi” – nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh
Ông Sơn cho biết, sau khi đánh Huế xuân 1968, đơn vị ông phần lớn rút lên núi rừng Hương Thủy bám trụ. Do không nhận được chi viện từ tuyến sau nên tiểu đoàn đã cắt cử các đại đội vừa làm nhiệm vụ bảo vệ hành lang vừa tổ chức thu mua lương thực; giai đoạn này về thu mua ở mũi Hưng – Hải còn có K439 của Hà Nội tăng cường cho Huế. Anh em hy sinh nhiều quá.
Ông Đỗ Xuân Bé cho biết, sau Xuân 1968 ông là chiến sĩ của Đại đội 12,7 ly Nhật Lệ – Quảng Bình tăng cường cho Mặt trận Huế. Đại đội của ông được Thành đội Huế tổ chức thành đại đội hành lang bám mũi Hưng – Hải. Nhờ thông thuộc địa hình nên cuối năm 1969 ông đã tìm cách đưa ông Hoàng Lanh, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Huế chạy thoát khi bị địch bao vây ở ga Nong. Sau đó Đại đội Nhật Lệ sáp nhập vào Tiểu đoàn pháo DKB 32.
Cầm kỷ vật duy nhất mà mình còn giữ được, ông Phan Thanh Long xúc động kể: Đây là bức ảnh do anh Xuân (không biết họ) chụp cuối năm 1968 ở khe Xương Voi. Anh Xuân là sinh viên Hà Nội, thuộc Tiểu đoàn DKB 32 được tăng cường nhằm chuẩn bị lực lượng cho tấn công đợt 2 của Mặt trận Huế.
Khi vào chiến trường, anh có mang theo máy ảnh, trước khi chụp anh dặn dò như trăn trối với chúng tôi: “Sau chiến tranh đứa nào may mắn còn sống thì nhớ tìm thi hài những đứa đã hy sinh đưa về cho gia đình”. Ngoại trừ tôi (bị thương năm 1971 được ra Bắc điều trị), 9 anh em K32 trong tấm ảnh này đều hy sinh.
Kể về trường hợp anh Xuân hy sinh, ông Long cho biết, đó là chiều ngày 12/2/1969, từ cửa rừng cây Xoài (nay thuộc xã Lộc Bổn), đoàn chúng tôi gồm các Đội thu mua của anh Ngô Viết Xão (Ban kinh tế Thành ủy Huế), Đội thu mua Hương Thủy do tôi phụ trách và Đội thu mua của anh Xuân (K32) xuất phát về đồng bằng.
Chừng 8 giờ tối, đoàn đến khu vực Đồi Lệ thì bị rơi vào ổ phục kích. Toàn bộ đội thu mua 21 người của K32 hy sinh, trong đó có anh Xuân.
Không chỉ K32 bị thương vong nhiều mà các đơn vị bạn như C518 (bí danh Cô Xinh) – Trinh sát của Thành đội Huế chỉ trong một trận bị phục kích ở xóm 4 Hải Thủy năm 1969, đơn vị có 50 người thì đã có đến 48 cán bộ, chiến sĩ hy sinh (trong đó có Đại đội phó tên Dụ). Một trong 2 người bị bắt nay còn sống là ông Trương Văn Thuận, quê ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Hàn Ngọc Chuyên, quê Lạng Giang, Bắc Giang là lính Tiểu đoàn Đặc công 1 (mật danh Chị Thừa I) khẳng định ở Đồi Lệ bộ đội hy sinh rất nhiều. Chỉ trong một đêm mà đơn vị ông có tới 7 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 10 người khác bị thương.
Ngoài bộ đội, lúc này có các Phân đội của Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh thành phố Huế đã về trú đóng ở núi rừng Hương Thủy, trực tiếp bảo vệ cơ quan Thành ủy Huế.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, nguyên giám thị Trại giam Bình Điền cho biết, năm 1971 ông là chiến sĩ của Phân đội – H3 của An ninh Hương Thủy. Trước khi về các xã Thủy Thanh, Thủy Vân công tác, ông Hùng có thời gian cùng đồng đội về Hưng – Hải thu mua lương thực. Đội thu mua của H3 do ông Long phụ trách hy sinh gần hết, nhất là trong trận bị B52 ném bom xuống vùng Khe Rộng. Riêng toán của ông Hùng trong một đêm về thôn 8 Hải Thủy thu mua thì bị địch phục kích làm cho ông Lê Đức Lanh và Lê Hữu Kít (cán bộ Ban An ninh Huế) hy sinh.
Riêng Đại đội hành lang Hương Thủy, mặc dù nắm khá chắc tình hình hoạt động của đối phương và thông thuộc địa bàn nhưng do ở thế bị động nên bị tổn thất khá nặng. Chỉ tính trên địa bàn Hưng – Hải, theo ông Nguyễn Đình Kiên, “ít nhất Đại đội hành lang Hương Thủy của chúng tôi đã có 60 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; trong số này có Đại đội trưởng Ngẫu, các Chính trị viên: Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Phùng và Trợ lý tác chiến Lý Văn Tè. Còn ông Phan Thanh Long cho biết, tính đến tháng 10/1971, Đội kinh tế Hương Thủy từ 240 người chỉ còn 80 người, tức là hy sinh đúng 2/3.
Tuy chưa có con số chính thức, nhưng qua thu thập ban đầu của chúng tôi thì giai đoạn “hậu Mậu Thân” ở Hưng – Hải ít nhất đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi về đồng bằng thu mua lương thực. Con số này tương đồng với ước đoán của ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Thừa Thiên Huế.
Là người đã đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên kiêm Huyện đội trưởng Hương Thủy trong chiến tranh, khi được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế mời về xã Lộc Bổn – Phú Lộc dự họp (sáng 30/9/2022), ông Võ Nguyên Quảng nói rõ, thời chiến tranh ông được phân công chỉ đạo địa bàn 2 xã Hưng Lộc và Hải Thủy và nhờ có cuộc họp này mà ông gặp lại 2 cựu Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc: Nguyễn Thanh Thiệt, Võ Đại Trưu và cựu Đại đội phó Đại đội hành lang Huyện đội Hương Thủy Nguyễn Trung Kiên – họ là những người bám sát địa bàn nên am tường sự việc.
“Địch đánh ta không chạy, nhưng hạt gạo đã buộc ta phải chạy”. Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Trung Kiên đã trích lại lời của cố Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một khi phải đi đến quyết định cho 1/3 lực lượng của mình rút về tuyến sau chỉ vì thiếu ăn; đồng thời nêu bối cảnh, thời điểm ấy do vùng giáp ranh của Hương Thủy từ Hương Thọ về Phú Bài bị quân đội Mỹ phong tỏa nên Hưng – Hải là địa bàn duy nhất sau Xuân 1968 ta công khai tổ chức lực lượng về đồng bằng thu mua lương thực với khối lượng lớn.
Cựu du kích mật xã Hưng Lộc Phạm Hữu Chiến xác định, trước khi thoát ly lên chiến khu (3/1971) hầu như đêm nào ông cũng nghe tiếng súng nổ và sáng hôm sau địch đem phơi xác anh chị em ở ven quốc lộ, trong đó ông ám ảnh nhất là trận địch phục kích ở Hóc Mụ Bồi làm 19 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh.Vì vậy, ông đề nghị lãnh đạo tỉnh nên chọn Hóc Mụ Bồi để xây đài tưởng niệm, vì đó là điểm nhấn.
Ông Võ Nguyên Quảng cho biết thêm, sau khi đọc báo ông đã gửi đơn kiến nghị cho lãnh đạo Thừa Thiên Huế và cơ quan, địa phương liên quan, ông đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho ông biết, đã báo cáo sự việc với Bí thư Tỉnh ủy; đồng thời chủ động trao đổi với Bí thư Huyện ủy Phú Lộc. Hai địa phương nhất trí sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo, tạo cơ sở để xúc tiến những việc tiếp theo. Còn Bí thư Huyện ủy Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh cho ông biết: “Đã cùng các nhân chứng khảo sát địa điểm. Vị trí khá thuận lợi, nếu lãnh đạo tỉnh cho phép sẽ chung tay làm”.
Từ những thông tin ấy, ông Võ Nguyên Quảng đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm có chủ trương và nên giao trách nhiệm cho Thành ủy Huế phối hợp với Huyện ủy Phú Lộc triển khai. Còn kinh phí, ông đề nghị huy động từ nhiều nguồn, của tỉnh và các địa phương. Ông tin tưởng công trình tri ân này sẽ trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu