Ký ức, theo tháng năm có thể rơi rớt dần nhưng thẳm sâu vẫn còn đọng lại trong họ thời khắc khó quên, đặc biệt là lúc đối diện với làn ranh mong manh của sinh – tử.
Tấm ảnh ông Phan Thanh Long chụp chung với Tổ thu mua của K32 năm 1968
Sau 26 ngày đêm làm chủ trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, từ nhiều hướng các lực lượng tham gia chiến dịch được lệnh rút khỏi thành phố Huế.
Riêng ở cánh Nam Huế, theo hồi ký của ông Nguyễn Vạn, nguyên Chính ủy Đoàn 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, mãi đến tháng 6/1968, Tiểu đoàn 4 (thường gọi tắt K4) là đơn vị bộ binh cuối cùng của Thành đội Huế rút khỏi đồng bằng.
Đối phương kiểm soát và tiến hành “Bình định nông thôn”. Nếu vùng Bắc Truồi trở thành hậu cứ của Phú Vang và của K4, K10 (chưa kể lực lượng của Đoàn 4 – Phú Lộc) thì vùng Khe Đầy là hậu cứ mới của các cơ quan Dân Chính Đảng, của các lực lượng vũ trang thành phố Huế (bao gồm cả Hương Thủy và các đơn vị độc lập của Quân khu Trị Thiên tăng cường cho Mặt trận Huế).
Sơ đồ được quân đội Mỹ lập năm 1969 cho thấy, ở phía tây Trường Sơn, chỉ tính quanh thung lũng Ashau, quân đội Mỹ đã thiết lập trên 10 căn cứ quân sự, trong đó phía nam giáp Nam Đông có các căn cứ: Pike, Fury, Chor, Spear; phía tây giáp biên Lào có: Currahee, Động Abia, Pepper, Turmage, Cunningham, Erskine, Razzor..; trong khi đó ở phía đông Trường Sơn hàng loạt căn cứ quân sự quân đội Mỹ dựng lên ở cao điểm 935 (Ripcord), Động Rệ, Động Mang Chang, Động Cù Mông, Động Tà Lương, Bartonge (Động Tranh), Birminham, Động Chốc Mao…
Ngoài tung lực lượng tìm kiếm, phá hoại kho tàng, quân đội Mỹ đã dùng sức mạnh hỏa lực bắn phá nhằm khống chế sự chi viện của miền Bắc qua tuyến đường 559 và ngăn chặn các lực lượng của ta tiến về đồng bằng.
Ông Trần Cảnh Kế, nguyên Trung đội trưởng thu mua của Tiểu đoàn DKB 32 (gọi tắt K32) cho biết, sau mỗi chuyến lên trục (đường 559) gùi gạo về, do đi – về hơn cả chục ngày nên có khi cả tiểu đội chỉ còn chưa đầy chục lon gạo. Trước tình thế đó, đơn vị phải đưa anh em về sát bìa rừng tìm cách xuống đồng bằng Hưng – Hải thu mua lương thực.
Vùng giáp ranh Hưng – Hải trong những năm sau Xuân 1968 đã trở nên trống trơ do quân đội Mỹ đã rải chất độc hóa học làm trụi lá cây. Ban ngày, hết L.19 đến OV.10 thay nhau quần thảo. Chỉ cần phát hiện có dấu vết khả nghi, đạn màu được ném xuống. Pháo từ căn cứ Phú Bài hoặc La Sơn theo đó tập trung hủy diệt; do vậy, việc xâm nhập đồng bằng chỉ được tiến hành vào chiều tối.
Biết về đồng bằng lúc này là trực tiếp đối diện với hiểm nguy luôn rình rập, nhưng do việc cứu đói đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu nên người ra đi đã vì sự tồn tại của cách mạng, sẵn sàng hy sinh.
Nguyên Đội trưởng Đường dây kiêm Đội trưởng Kinh tế Hương Thủy Phan Thanh Long cho biết, từ cuối 1968, do tuyến Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương) bị đối phương phong tỏa nên Hưng-Hải trở thành tuyến hành lang huyết mạch để các lực lượng ở hậu cứ tìm về đồng bằng Hưng-Hải thu mua. Hưng – Hải là tên ghép của hai xã Hưng Lộc (mật danh L.5) và Hải Thủy (mật danh L.4). Trước tháng 3/1975, Hưng Lộc (nay là xã Lộc Bổn – Phú Lộc) được giao cho huyện Hương Thủy quản lý.
Đồng bằng Hưng – Hải, nơi chủ yếu cung cấp lương thực và hàng hóa cho cách mạng trong chiến tranh trên thực tế chỉ giới hạn ở phạm vi từ bắc sông Nong đến nam sông Phú Bài, nơi có hai ngôi chợ thay nhau đông vào sớm – chiều; thêm nữa, do ở gần thị trấn Phù Lương và xa thành phố Huế, có tuyến Quốc lộ I xuyên qua nên dễ thu gom hàng hóa với khối lượng lớn.
Theo ghi nhận của Trung úy Nguyễn Trung Kiên, nguyên Đại đội phó Đại đội hành lang Huyện đội Hương Thủy thì sau Xuân 1968, ngoài lực lượng của Thành ủy Huế, các đơn vị còn lại ở hậu cứ Hương Thủy đều tổ chức lực lượng về đồng bằng Hưng-Hải thu mua.
Riêng Phú Vang, ngoài Đại đội Bộ đội địa phương 137 bám trụ ở đây; K4 dù đóng quân ở hậu cứ Bắc Truồi nhưng đã cử 1 đại đội do ông Ngợi làm Đại đội trưởng về Hưng – Hải thu mua lương thực.
Kể từ khi các cơ quan của Thành ủy Huế chuyển vào đóng ở vùng Khe Đầy thì Khe Dứa trở thành hậu cứ của các Đội thu mua.
Đội thu mua của thành phố Huế (mật danh B14) do ông Nam Hải phụ trách. Ông Hải hy sinh, ông Hoàng Trọng Hầu thay thế. Quản lý Đội là bà Nguyễn Thị Bê. Lúc đông nhất Đội có chừng 30 người. Còn Đội thu mua của huyện Hương Thủy do ông Phan Thanh Long phụ trách; ông Long bị thương, ông Phan Thanh Vui thay thế. Lúc đông nhất Đội lên tới 240 người. Còn Khe Rộng là nơi trú đóng của Đội thu mua của Ban kinh tế Khu Trị Thiên Huế.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Vang Hồ Viết Lễ cho biết, lúc ấy ông là kế toán của Phân ban B, một trong 5 phân ban của Ban Kinh tế Khu, phân ban D do ông Nguyễn Lan phụ trách.
Lúc đó Phân ban D có hai đội, một ở Bắc Truồi (Phú Lộc) và một ở Khe Rộng (Hương Thủy). Sau 1968, do đường về Nam Phổ Hạ bị Mỹ chốt chặn nên từ Khe Sến, Đội Bắc Truồi phải chuyển hướng sang Hưng – Hải thu mua.
Phân ban D (mật danh B.10) sau một thời gian thu mua ở Hưng – Hải và Bắc Truồi đến cuối năm 1969 được điều lên vùng biên giới Việt – Lào tăng cường cho tuyến Thống nhất B đảm đương vận chuyển hàng hóa từ nam sông Sê Băng Hiêng vào Clềng, tức trạm 46.
Bà Hồ Thị Thu Phương, cựu nhân viên của Phân ban D nhớ lại, từ Khe Rộng, chiều chiều, đội chúng tôi thường tập trung ở đồi cây Xoài (còn gọi là ngã ba Cưa) để nhập đoàn. Đợi mặt trời tắt hẳn theo dẫn đường của bộ đội chúng tôi băng qua khe Trạng Cày thâm nhập đồng bằng.
Đến bây giờ bà Phương vẫn còn nhớ như in hai địa danh nằm gần nhau, đó là Hóc Mụ Bồi và Đồi Lệ. Nhờ có hẻm sâu và cây cao nên khi cùi cõng gạo từ đồng bằng lên thường dừng lại ở những nơi này để nghỉ lấy sức. Và trong một lần như thế, khi đang ở Đồi Lệ, Đội của bà bị trúng đạn pháo làm cho bà Chắt hy sinh, còn bà Phương may mắn nhờ có cùi gạo sau lưng nên chỉ bị thương ở chân.
Ông Dương Văn Kiểu cũng là nhân viên của Phân ban D cho biết, trong một đêm cùng đồng đội là ông Dương Văn Ninh đi theo bộ đội về Hưng Lộc thu mua gạo thì bị phục kích ở ga Nong. Ông Kiểu bị thương và may mắn nhờ có đồng đội cõng lên hậu cứ điều trị nên sống sót.
Trong 6 người của Đội kinh tế của thành phố Huế hiện còn sống ở Huế mà tôi đã gặp thì bà Nguyến Thị Nghi là người duy nhất gắn bó với địa bàn Hưng – Hải từ đầu đến cuối. Trong hơn 3.000 ngày ở chiến trường, bà Nghi không nhớ là mình đã gùi cõng được bao nhiêu, có chuyến tưởng như hàng đưa được lên hậu cứ nhưng dọc đường bị địch phục kích, may mắn là “gạo đã đi thay người”.
Để có từng gùi gạo, từng gùi muối cung cấp cho hậu cứ, nhiều người đã hy sinh. Trận hy sinh lớn nhất mà bà Nghi chứng kiến diễn ra trong năm 1969. Đêm đó, dựa vào lực lượng của K32, nhóm của bà xâm nhập đồng bằng. “Khi về đến Đồi Lệ, đoàn bị rơi vào ổ phục kích. Tôi và chị Phan Thị Hiên đi sau chạy lui được còn 32 anh bộ đội của K32 đi trước đều hy sinh”. Bà Nghi ngậm ngùi kể.
Nhắc đến Đồi Lệ làm bà Phan Thị Hiên nhớ đến trận phục kích diễn ra đầu năm 1972, khi bà cùng đoàn cán bộ Thành ủy Huế và bộ đội của K32 về Hưng – Hải công tác.
Qua giới thiệu của bà Hiên, tôi đã tìm gặp ông Ngô Tá Năm, một trong những người bị thương trong đêm ấy. Ông Năm cho biết, Đoàn cán bộ Thành ủy Huế về Hưng – Hải công tác có chừng chục người, trong đó có anh Ngô Yên Thi và Lê Phương Thảo là Thành ủy viên. Khi đến Đồi Lệ vì trời quá tối nên đoàn lọt vào trận địa xe tăng mà không hề hay biết. Xe tăng bắn, do đã ở dưới tầm đạn nên không hề hấn gì, nhưng đến khi pháo sáng được bắn lên, thấy xe tăng rút lui thì tìm đường tháo chạy.
Trong trận phục kích này các anh: Lê Phương Thảo, Nguyễn Đôn Dần, Lê Anh Tưởng đều bị thương.
Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu
(Còn nữa)
Kỳ 2: Đề nghị xây đền tưởng niệm