Mùa xuân & thi ca

Trình diễn trường ca “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Cuộc vui cùng thi ca

Rằm tháng Giêng năm nay, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức Festival Thơ Huế, chương trình chính của lễ hội mùa xuân hưởng ứng Festival Huế bốn mùa. Diễn ra trong suốt ba đêm, những người yêu thơ được sống trong bầu không khí thơ ca hòa quyện với thiên nhiên, con người, được nghe những bài thơ mới về mùa xuân. Không gian nghệ thuật tại số 1 Phan Bội Châu càng nên thơ hơn với những cảm xúc lắng đọng của tiếng thơ, tiếng hát.

Đêm thơ đầu tiên có chủ đề “Nhịp điệu mới”, mang đến cho công chúng những vần thơ ướt sương Nguyên tiêu, thấm đẫm cảm xúc về mùa xuân với sắc hương của đất trời, hoa lá. Đó là những bài thơ đằm thắm, trữ tình của các nhà thơ Huế, như: “Tháng giêng hồng” của Ngàn Thương, “Nguyên tiêu thành Huế” của Ân Hồ, “Huế mùa hương lạ” của Nguyễn Văn Vũ, “Xuân vừa chạm bến” của Nguyên Quân…

Đêm thơ chính “Hương giang – dòng sông di sản” tôn vinh vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của dòng Hương qua những thi phẩm: “Hiểu quá Hương giang” (Cao Bá Quát), “Thu chí” (Nguyễn Du), “Chiều Hương giang” (Nguyễn Khoa Điềm), Muôn bến (Thanh Tịnh)…

“Sắc Huế mùa xuân” là sân chơi dành riêng cho các câu lạc bộ thơ. Trong đêm thơ này, các hội viên thuộc các hội thơ, câu lạc bộ thơ diễn ngâm những bài thơ hay của mình viết về mùa xuân, Nguyên tiêu và cảnh sắc vùng đất Cố đô. Những tứ thơ, vần thơ trào dâng cảm xúc vẽ nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng hữu tình, đọng lại trong lòng người nghe bao dư âm ngọt ngào.

Với các nhà thơ, những đêm thơ như vậy trở thành điểm hẹn để giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Nguyên tiêu năm nào cũng trở thành ngày hội của thi nhân. Theo nhà văn Lê Vũ Trường Giang, với mỗi người làm văn chương, hằng năm cứ đến Nguyên tiêu là sự trở về, là hội ngộ, là cuộc vui cùng thi ca. Mỗi năm đều mang một sắc thái mới. Đó là những kỷ niệm ấm áp của người lao động chữ nghĩa, là cuộc bay mới vào thế giới thi ca. Những mộng nghĩ, những ý tưởng sáng tạo với nhiều người có lẽ đã được nhen nhóm trong những ngày xuân của đất Cố đô.

Trên tất cả, thi ca được tôn vinh trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Và những người thơ rạng rỡ bước lên sân khấu chia sẻ về những thăng trầm, những niềm vui, nỗi buồn đã hóa thành con chữ.

Thăng hoa cảm xúc

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, thi ca luôn có sức hút kỳ diệu với cuộc sống và cuộc sống lại hiện diện trong thi ca với tất cả những gì cảm xúc và tinh túy nhất… Thi ca sinh ra từ cuộc sống, nhưng cao hơn cuộc sống vì nó là những phút thăng hoa cảm xúc của con người thổi hồn vào hiện thực.

Đối với những người say mê sáng tác văn học, lúc nào cũng là mùa xuân, bởi trong họ luôn có sự sáng tạo, sinh sôi, nảy nở. Thế nhưng, mùa xuân vẫn luôn có sức hút đặc biệt. Với các nhà thơ xứ Huế, mùa xuân luôn mang đến bao cảm xúc để họ sáng tác rất nhiều bài thơ trữ tình và lãng mạn. Năm nào cũng có thơ mới về mùa xuân giới thiệu đến công chúng.

Cảm thức nồng nàn về mùa xuân khiến nhà thơ Đỗ Văn Khoái viết nên bài thơ “Dưới trời xuân” chan chứa tình quê hương, tình yêu thương, đặc biệt là tình với em – nàng xuân thơ: “Sông không đò/ mà tôi như người mong qua/ Nên cứ mượn cả trời Xuân/ mà náo nức”.

Trong khi đó, tác phẩm “Cùng em vọng nguyệt” của nhà thơ Văn Chung (Hội thơ xứ Huế) lại vẽ nên một không gian lãng mạn với thi ảnh trăng lung linh, con sông thơ mộng, Huế đẹp đến mỹ miều: “Em cùng ta nhé đến Hương giang/ Thả bộ mơ hoang ngắm Quảng Hàn/ Hương thạch xương bồ bay thơm ngát/ Hòa quyện vào sông tắm chị Hằng”.

Trong những chương trình giới thiệu thơ đến công chúng, ngoài thể hiện bằng hình thức diễn ngâm, những tiết mục trình diễn thơ trở thành nét chấm phá ấn tượng. Hai tiết mục trình diễn thơ “Kinh cầu xuân” (thơ Lê Vũ Trường Giang) và “Đất nước” (thơ Nguyễn Khoa Điềm) do nhà văn Lê Vũ Trường Giang dàn dựng với phần trình diễn của các em học sinh, sinh viên trong dịp Festival Thơ Huế làm mới lạ cách biểu đạt của thi ca.

Với trường ca “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng mà là những gì rất gần, thân thiết ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi người. Tiết mục trình diễn dùng các sự vật có tính biểu trưng văn hóa Việt, như: cau – trầu, gừng – muối, bánh chưng, lúa gạo, nông cụ… tái hiện lại sinh hoạt có tính chất truyền thống, là bản sắc, cội nguồn văn hóa dân tộc.

Theo nhà văn Lê Vũ Trường Giang, trong không gian văn học nghệ thuật đương đại, trình diễn thơ đã và đang được công chúng quan tâm, nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật gần gũi với người xem. Anh hướng các tác phẩm chạm đến tính nghệ thuật trình diễn trước đám đông qua phương cách kết hợp giữa ngôn ngữ, hành động có tính biểu trưng và các trạng thái ý niệm.

Bài, ảnh: Trang Hiền

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Long Nhật nặng tình với Huế

Ca sĩ Long Nhật, người con xứ Huế, sẽ tổ chức liveshow kỷ niệm 35 …