Mùa xuân & cảm nhận nho nhỏ khi về lại Văn Thánh

Các em học sinh tham quan tại Nhà bia Văn Thánh miếu. Ảnh: MCX

Giêng hai, trong cái nắng hiếm hoi giữa mưa rét, tôi cùng chị Thanh về lại miền Hà Khê, đến Văn Thánh, Võ Thánh miếu. Đó là con đường xưa chúa Nguyễn từng đi, qua chùa Thiên Mụ, qua một xóm nhỏ êm đềm của thôn An Bình, đến một bờ đất mới xới, bắp vừa nảy những mầm non xanh bên mặt sông lao xao những con sóng màu diệp lục, ngước nhìn lên là bắt gặp ngay Đại Thành môn của Văn Thánh cổ kính, mặc trầm mà kiêu hãnh soi bóng bên bờ tả ngạn sông Hương.

Nơi đây, dù thời gian và các cuộc chiến đi qua tàn phá gần hết, vẫn ngời ngợi vẻ đẹp văn hóa cùng tuế nguyệt. Tuy vậy, chốn đây vắng lặng, tịnh không một bóng người thăm viếng giữa những ngày xuân đẹp khiến lòng tôi không khỏi buồn vương. May mà có nắng và hoa. Nắng ấm dìu dịu vàng mơ như niềm an ủi, như ánh sáng tâm hồn, trí tuệ của những bậc hiền tài còn mãi lưu quang. Nhìn qua bên kia đường, trước bến xưa là cổng Linh Tinh môn, vẫn đẹp cốt cách, truyền đến người đời sau thông điệp: Đạo giữa đất trời, với khát vọng vượt cao ngàn xưa.

Tôi nhìn mãi vào bến sông, bao giờ tôi cũng như được thấy lại quang cảnh trên bến dưới thuyền, tấp nập những hiền nhân quân tử, với những lễ nghi của một nền giáo dục Nho giáo rạng rỡ đã từng vang bóng chốn này. Bạn biết đó, từng được xem là trường đại học đầu tiên của Vương triều Nguyễn, khoảng hai mươi công trình kiến trúc đã bị thời gian và biến thiên của lịch sử tàn phá hết. Chỉ còn lại đây Đại Thành môn, Linh Tinh môn và dãy nhà bia mới bảo tồn gồm 32 bia đá ghi tên 293 tiến sĩ đỗ đạt dưới thời thịnh trị của nhà Nguyễn, cũng bằng chữ Hán.

Khi ngồi xuống bên những cụ rùa đội bia đá, chị Thanh kể, một nhà khoa học đến từ IAEA đặt ra câu hỏi: “Tại sao người ta đặt bia tiến sĩ trên tượng lưng rùa?” khi ông đến đây. Dù đã biết tại sao, nhưng tôi không khỏi giật mình, nhớ lại một kỷ niệm đã xa.

Trong một bài văn thuyết minh về Văn Thánh, ở một lớp gồm 38 em học sinh lớp 9 do tôi phụ trách tại một trường chuyên xứ Huế, chỉ có năm em từng đặt chân đến Văn Thánh. Số còn lại chỉ hiểu biết qua loa. Tôi cũng từng đặt câu hỏi ấy, đa phần các em không trả lời được những điều cơ bản, hoặc trả lời không đến đầu đến đũa. Mãi đến sau khi tìm hiểu kỹ trên Google, cùng thảo luận, cùng đi thực tế, biết rõ được rùa là một trong trong những con vật linh thiêng trong bộ tứ linh gồm: Long, ly, quy, phụng, trong đó rùa tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt trong văn hóa của người Việt. Kiến thức này gọi kiến thức khác, bài học của các em mới thực sự có thêm nhiều sắc màu. Cụ thể hơn, mai rùa khum khum là tượng trưng cho bầu trời, còn bụng phẳng của rùa là tượng trưng cho mặt đất, chân của rùa tượng trưng cho cột nhà. Trong đó con người nằm giữa, tức là nằm trong dòng chảy sinh lực của trời đất, mọi hoạt động, phát sinh, phát triển của con người đều diễn ra ở đây. Nói về tấm bia, nó tồn tại ứng với quy định của trời đất và các tầng vũ trụ. Trán bia và vòng chầu mặt trời là biểu tượng của tầng trên, rùa đóng vai trò tầng dưới, sự việc của con người sẽ nằm ở tầng giữa con rùa. Điều đó tạo nên thiên địa nhân hòa. Vì thế, việc đặt bia tiến sĩ trên lưng rùa mang một ý nghĩa thiêng liêng, biểu tượng cho sự bất diệt trong quan niệm của người xưa.

Những kiến thức ấy đã không chỉ giúp cho giờ học sinh động, giúp học sinh tri giác cụ thể, sâu sắc về Văn Thánh mà còn tạo niềm say mê tự học, tự tìm hiểu khám phá những lời gửi, những trầm tích văn hóa của ông cha ở những điểm văn hóa khác. Như Võ Thánh miếu chẳng hạn. Một khi học sinh có thể cảm nhận sâu những tinh hoa linh hồn dân tộc, lòng yêu quý quê hương cũng từ đó đầy thêm lên và lắng sâu hơn. Tôi nghĩ và ước những giờ ngoại khóa về văn học địa phương đều bắt đầu từ những địa điểm văn hóa, những sự tích, huyền tích trên đất Cố đô, sẽ đánh thức được những ước mơ, khát vọng, xây một tương lai đẹp hơn nữa cho quê nhà. Chắc chắn, trong những dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, những địa điểm ghi dấu nền văn hóa quê hương sẽ không hoang vắng như bây giờ. Nên chăng, những ký tự bằng chữ Hán trên văn bia nên được cơ quan quản lý di tích dịch ra, chú thích cẩn thận bằng chữ Quốc ngữ trên những bảng chỉ dẫn thì hay biết mấy. Khi con cháu chúng ta tri giác cụ thể về văn bia ghi tên các danh sĩ Nguyễn Khuyến, Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Đình Phùng,… mới có thêm cơ hội tìm hiểu sâu. Có hiểu thì mới có cảm xúc, mới gắn bó, thương yêu, tự hào!

Khi tôi cùng chị Thanh quay sang Võ Thánh miếu, cảnh tượng chốn đây càng hoang vắng. Thành cũ, nền cũ không còn. Chỉ có mấy tấm bia được nhặt, chôn cạnh nhau chơ vơ giữa hoang phế và phía sau là chập chùng mồ mả xâm lấn. Có chăng chỉ màu cỏ mùa xuân xanh mướt và những vầng hoa dại an ủi. Chị Thanh nhỏ bé bùi ngùi đứng cạnh văn bia ghi danh tiến sĩ của võ tướng võ tiến sĩ Võ Văn Lương, phó tướng từ thời Tự Đức. Chị bảo, văn bia là của ông cố sơ nhà chị vốn là người con ưu tú của dòng họ Võ, quê ở xóm Triêu, thôn Đầu Kênh, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Chiều rơi man mác trên tóc chị Võ Thị Kim Thanh, vị giáo sư, tiến sĩ của Trường đại học Nông Lâm Huế, đã ngoại lục tuần. Tôi được cho biết thêm, cùng với nhà sử học Mai Khắc Ứng, chị từng viết dự án đề xuất khôi phục, dự án từng được hội khoa học Ý – Việt quan tâm với một khoản kinh phí nhỏ, tuy chưa thành công mỹ mãn nhưng giá trị tinh thần lớn. Hội phụ nữ từng “đóng đô” ở đây đã phải dời đi, cảnh quan được dọn dẹp sạch sẽ, quy tụ được hàng bia như hiện có, còn thì vẫn chưa làm gì được hơn(!).

Mây xám ở đâu bay về đầy trời, mưa sa xuống từng hạt nhỏ trên quãng đường chúng tôi trở về. Tôi biết chị vẫn hằng nuôi ước mơ dựng lại Võ Thánh miếu, chưa bao giờ chị rời bỏ ước mơ thao thiết ấy. Cổ tích của chị, của Võ Thánh, Văn Thánh hẳn là không chỉ nhờ vào phép màu…

“Quê hương tôi bé nhỏ đẹp xinh/Có đêm sâu ẩn giấu mặt trời vàng…”. Tôi đã luôn ngâm ngợi hai câu thơ này của nhà thơ Thu Bồn, sau những ngày ghé thăm đất Thánh. Có bao nhiêu vỉa tầng văn hóa đã hiển hiện. Còn bao nhiêu tầng văn hóa quý giá còn chìm dưới đáy sông sâu, chìm khuất trong những biến thiên của lịch sử khi mà cuộc sống lao về phía tương lai với tốc độ chóng mặt. Làm thế nào để phục chế và bảo tồn là câu chuyện của cơ quan bảo tồn di tích với tầm vĩ mô. Và làm thế nào để con trẻ hiểu được cha ông mình đầy đủ, sâu sắc hơn từ những bài học thiết thực ngay từ trên ghế nhà trường, vấn đề không quá khó với những nhà giáo tâm huyết. Tôi biết, dẫu thế, đó là một câu chuyện dài, còn nhiều trăn trở, day dứt. Như mưa dài rồi cũng phải tạnh, nắng ấm áp sẽ tràn khắp nơi. Tôi tin những mơ ước của chị sẽ thành hiện thực, vì đó là ước mơ đáng trân trọng của nhiều người nặng lòng với Huế.

Triền Thảo

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …