Không ai rõ xuất xứ thuở xa ngái của loài cây trái ngọt lành này từ đâu mà hữu duyên dừng chân chọn bến đỗ là chốn kinh kỳ xưa cũ đầy tràn nỗi niềm tương tư. Nhưng rõ ràng, trái thanh trà đã tồn tại ở đó, trong lòng linh thổ của đất và người; của sông và núi, ban phát sự tuyệt diệu của một thứ thức quà từ mẹ thiên nhiên cho muôn vạn hình hài, qua những chiều kích không thời gian, qua biết bao mùa mưa nắng vẫn ôm ấp thương yêu trọn vẹn mảnh đất này.
Là một cô gái gốc Huế mà đôi khi tôi còn ngơ ngác trước những thứ mình được thụ hưởng từ mẹ thiên nhiên của sông Hương núi Ngự. Có thể bởi một phần của tôi, một nửa của tôi đã bị thiếu khuyết khi sinh ra và lớn lên ở miền núi Tây Nguyên hoang dã, đã quen mùi mưa nắng, mùi cà phê trong gió. Hẳn vì thế mà dù rằng có lang thang gần hai mươi năm ở với Huế tôi vẫn như kẻ đi lạc mong mỏi tìm kiếm được suối nguồn quê cha đất tổ. Thực tình, nếu không được thưởng thức đủ dư vị bốn mùa với những đặc sản cây nhà lá vườn quen thuộc như trái thanh trà hoặc những hạt sen bé nhỏ ngọt bùi vẫn còn đang cuối vụ, chắc tôi đã không thể hiểu được sự đằm sâu của Huế từ hoa trái vừa thanh đạm vừa tao nhã quý phái ấy.
Người Huế hoặc không phải người Huế đã sống ở đây đều mong mỏi đến mùa đến vụ, sau mùa sen bắt đầu từ tháng năm đến tháng bảy rằm là mùa thanh trà chỉ độ chừng hai, ba tháng cũng đủ để ấm áp khẩu vị của thứ cây trái ngọt lành kỳ diệu đó. Bưởi thanh trà, có hình dáng theo kiểu, trái lớn hoặc trái nhỏ đôi khi chỉ vừa vặn một bàn tay cầm nắm. Chẳng hiểu sao tôi lại rất thích cảm giác bóc tách từng lớp vỏ dày vỏ mỏng, đến các múi, sau đó xếp tròn ra đĩa, chỉ để ngắm vẻ đẹp căng mọng trên từng tép thanh trà.
Không phải trái càng tươi vỏ thì mới giòn cơm, căng múi mà thực tình sau bao nhiêu năm được thụ hưởng thức quà ấy mới nhận ra thanh trà để dành dăm ba ngày dù vỏ có héo úa vàng như lá mùa thu thì múi lại càng mọng nước ngọt thanh đến lạ. Đầu tháng chín vào vụ thu hái thì trái thanh trà tràn ngập khắp các chợ. Từ chợ lớn đến chợ nhỏ. Từ chợ đầu mối Đông Ba đến các chợ ven sông An Cựu, Bến Ngự. Hoặc ở ngoại ô thành phố, thanh trà xếp chất chồng như khoe một thứ quà đẹp của riêng xứ sở này. Người sành khẩu vị ẩm thực, thích khám phá có thể đến tận vườn ở Thủy Biều, vùng đất nằm phía tây nam thành phố Huế.
Đã qua không biết bao nhiêu mùa vụ thanh trà, nhưng tôi vẫn háo hức chờ đợi để được thưởng thức, để được tha về nhà mỗi lần cả chục trái như thế. Mùa thanh trà năm nay, nghe cha mẹ tận Tây Nguyên cách Huế sáu trăm dặm đường nhìn thấy vườn thanh trà Huế trên ti vi lại ngót nghét thèm thuồng. Thôi, có khi sớm mai con gái sẽ ra chợ lớn hoặc chợ nhỏ mua dăm chục quả gửi cho núi rừng vừa để đơm bàn thờ ông bà ngày rằm, vừa để thưởng thức cho vơi bớt nỗi nhớ quê của kẻ tha hương.
Mới hôm qua, thằng em trai không thân thích ruột thịt, nhưng gắn bó từ thời sinh viên đến thăm. Cậu mang cả chục trái thanh trà đến rồi nói, “em tiện ghé vườn nhà vợ, thanh trà cha mẹ trồng chỉ để lấy cây che bóng mát và thưởng thức chứ không bán”. Ai biết đâu, thứ trái này cũng trở thành một sự kết nối xa gần thương yêu đến vậy. Vừa rồi có lễ hội thanh trà, người bạn nhỏ ham mê ẩm thực của tôi còn đến tận vườn để thưởng thức một sản phẩm được chế biến ra từ trái thanh trà mà tò mò, “không biết men rượu thanh trà dư vị như thế nào nhỉ? Có đủ để làm kẻ tiêu dao mặc khách cùng đối ẩm dưới trăng hay chăng?”
Mùa thanh trà cũng đang gần vào cuối vụ, tôi tham lam, trong nhà vẫn còn để lăn lóc, lại muốn ghé chợ hỏi giá mua thêm chục trái để dành. Dù sao thì tôi cũng biết, thứ quả ấy, có thể để dành, có thể nhấm nháp dần dần những ngày nắng nóng. Mùa nào thì thức nấy, cứ an vị theo quy luật tự nhiên là đủ vui vẻ khỏe mạnh với cuộc đời thường nhật này rồi.
TRẦN BĂNG KHUÊ