Mua lộc đầu năm

Lộc đầu năm được bày bán trên nhiều con đường

Mua lộc

Hôm nay, ngày mùng 1, từ sáng sớm, dọc đường Hùng Vương trước chợ An Cựu, cầu Bến Ngự, đường đến các chùa…, nhiều người bày bán lộc đầu năm. Trên những chiếc mẹt nhỏ, những buồng cau, lá trầu, gạo, muối, bật lửa…được bày bán để mọi người mua lộc.

Trên đường đi lễ chùa, bà Bích Ngọc tạt vào hàng cau trầu bày bán bên đường để mua lộc đầu năm. Ngoài cau, trầu, bà Ngọc còn mua thêm gạo, muối và bật lửa.

Bà Ngọc cho biết: “Tục xưa từ ông bà để lại thường mua cau trầu để lấy may. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, tục lệ xưa bày thì nay mình cứ làm thôi. Năm nào tui cũng mua muối, cau trầu để cầu may mắn, no đủ, làm ăn thuận lợi”.

Mua lộc đầu năm không chỉ có người lớn tuổi, những người trẻ cũng duy trì phong tục này từ gia đình. Trước khi mở hàng bán đầu năm, chị Lệ Hằng cũng ghé mua miếng cau, ngọn trầu, gói muối. “Mình không hiểu sâu lắm ý nghĩa của việc mua cau trầu đầu năm nhưng nghe người lớn trong nhà bảo đây là lộc nên mình vẫn duy trì phong tục này vào đầu năm mới”, chị Hằng nói.

Theo quan niệm của người xưa, cau trầu tượng trưng cho tình cảm gia đình keo sơn, gắn bó. Vì vậy, mua được lá trầu đẹp, quả cau ngon là rước được lộc tốt về nhà.

Cũng theo người xưa, việc mua muối đầu năm tượng trưng cho sự no đủ, cầu mong về một năm mới làm ăn thuận lợi. Vì vậy, trầu, cau, muối là ba sản phẩm không thể thiếu khi mua lộc đầu năm. Ngoài cau trầu, muối, chiếc bật lửa cũng tượng trưng cho sự ấm áp, may mắn, được nhiều người mua lấy lộc.

Mua lộc đầu năm để cầu mong một năm mới may mắn, no đủ

Quanh năm bán hàng rong, mấy năm nay, cứ đến ngày tết, bà Võ Thị Ngọc Anh chọn mua những buồng cau ngon để dành bán lộc. Dọn hàng từ sáng sớm, đến chiều, bà Anh đã bán ngót buồng cau hơn trăm trái.

Bà Anh kể: “Năm mô tui cũng bán lộc đầu năm. Ngoài có thêm thu nhập, đi bán ngày mùng 1 Tết cũng vui khi nhìn mọi người tấp nập du xuân. Ngày tết, người mua cũng cởi mở, vui vẻ, mua lộc nên không ai chê mắc rẻ, mình cũng không tăng giá quá cao, mua được hàng rẻ thì bán rẻ. Vì là lộc nên phải chọn được những quả cau non, xanh, tươi, lá trầu còn nguyên cuống, phẳng, không bị dập nát”.

Mở hàng “mì xưa”

Mùng 1 năm nay cũng là ngày tốt nên nhiều người chọn mở hàng “mì xưa” để lấy may. Ở các chợ Phú Bài, An Cựu, Bến Ngự… nhiều hàng quán mở bán từ sáng đầu năm.

Chị Nga, chủ hàng trái cây ở chợ Phú Bài niềm nở: “Mùng 1 năm nay tốt ngày nên từ sáng sớm tôi mở hàng lấy ngày, dù hôm qua người ta đã mua trái cây hết rồi. Bán được hàng không phải mục đích chính mà là mở hàng mì xưa, để cả năm buôn may bán đắt, công việc thuận lợi”.

Chị Hoa, chủ một cửa hàng quần áo đối diện chợ An Cựu cho hay: “Tôi tranh thủ dọn hàng ra bán lấy ngày, mong cả năm buôn may bán đắt. Bán một lúc rồi tôi về nhà cúng gia tiên và cùng gia đình du xuân”.

Bán hàng đầu năm không chỉ để mưu sinh mà còn có niềm vui

Dù không mua nhiều nhưng đi chợ đầu năm đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Chỉ đơn giản mua miếng cau, ngọn trầu, bó hoa…, cả người mua và người bán đều trong tâm thế cởi mở, vui vẻ.

Không có cảnh kỳ kèo, trả giá, việc mua bán đầu năm diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, ấm áp. Ai cũng quan niệm, đi chợ đầu năm không đơn thuần là mua bán hàng hóa thông thường mà còn có ý nghĩa cầu may, mong một năm buôn bán thuận hòa.

Không chỉ ở các chợ, trên nẻo đường du xuân, nhiều loại hàng hóa vẫn được bày bán đáp ứng nhu cầu người dân. Những chiếc bong bóng đầy màu sắc, những con heo đất mũm mĩm, phong bao lì xì hay đồ chơi… như góp thêm sắc xuân cho ngày tết.

Nguyễn Văn Tài, một bạn trẻ bán heo đất, bóng bay trên đường Nguyễn Huệ kể: “Do mọi người vẫn có nhu cầu nên em bán heo đất xuyên tết. Không chỉ là mưu sinh kiếm thêm thu nhập, em thích không khí mua bán trong mấy ngày tết, cởi mở, vui vẻ và không ai so đo, tính toán. Mở hàng suôn sẻ thì cả năm sẽ hanh thông”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …